EU đáp trả thuế quan của Mỹ: chiến thuật thương mại kiểu Trump trở lại?
Kinhtedothi - EU đang xúc tiến hợp tác với các quốc gia khác để đáp trả “đòn” thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đưa ra.
EU được cho là đang thúc đẩy các cuộc gặp với đại diện từ các quốc gia cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thuế quan, như Canada và Nhật Bản, với khả năng cao sẽ có sự phối hợp giữa các bên.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ đang kéo dài và tiếp tục bế tắc liên quan tới một số vấn đề như thuế ô tô và nông nghiệp. Các quốc gia thành viên đã được tóm tắt về tình hình đàm phán vào hôm 13/7.
Trước đó trong ngày, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối sẽ gia hạn việc đình chỉ các biện pháp trả đũa thương mại đối với Mỹ cho đến ngày 1/8 để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Các biện pháp này đã được áp dụng để đáp trả mức thuế quan mà ông Trump áp đặt trước đó đối với thép và nhôm.
“Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục chuẩn bị các biện pháp đối phó tiếp theo để chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng,” bà von der Leyen phát biểu với các phóng viên tại Brussels hôm 13/7, đồng thời nhắc lại mong muốn của EU về một “giải pháp đàm phán”.
"Đòn" trả đũa hàng tỷ USD
Danh sách các biện pháp đối phó hiện tại sẽ ảnh hưởng đến khoảng 24,5 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, trong khi EU đã chuẩn bị sẵn một danh sách khác trị giá khoảng 61 tỷ USD, cũng như một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu, sẽ được trình lên các quốc gia thành viên, sớm nhất là trong ngày 14/7, nguồn tin cho biết.

Chủ tịch EC Von der Leyen. Ảnh: CNN
Bà Von der Leyen cũng cho biết công cụ chống cưỡng chế của EU, công cụ thương mại mạnh mẽ nhất của khối - vẫn chưa được sử dụng cho đến thời điểm này.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội phản hồi thông báo của ông Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi đẩy nhanh việc chuẩn bị các biện pháp đối phó, bao gồm cả công cụ chống cưỡng ép, nếu không đạt được thỏa thuận nào trước ngày 1/8.
Tối 13/7, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết mức thuế 30% sẽ ảnh hưởng "tận gốc rễ" đến các nhà xuất khẩu tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu nếu không tìm được giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột thương mại.
Thủ tướng Merz cho biết ông đang phối hợp chặt chẽ với các nhà lãnh đạo khác để đảm bảo mức thuế quan quy mô lớn này không thể có hiệu lực. "Điều đó đòi hỏi hai điều: sự thống nhất trong Liên minh châu Âu và kênh liên lạc tốt với Tổng thống Mỹ", nhà lãnh đạo Đức khẳng định trong một cuộc phỏng vấn.
Mức thuế suất 30% được đề ra, cùng với các mức thuế hiện hành theo ngành và mức thuế dự kiến đánh vào các mặt hàng thiết yếu, sẽ nâng mức thuế suất thực tế của Mỹ đối với EU lên khoảng 26%, theo Sven Jari Stehn, nhà kinh tế của Goldman Sach bao gồm. Nếu được thực hiện và duy trì, mức thuế này có thể khiến GDP của khu vực đồng Euro suy giảm 1,2% cho đến cuối năm 2026.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs nhận định, EU có thể sẽ trả đũa bằng mức thuế suất 30% trên toàn diện một cách dần dần, bắt đầu từ ngày mức thuế mới của Mỹ được áp dụng, làm tăng nguy cơ leo thang thương mại hơn nữa.
Chiến thuật đàm phán?
Tuy nhiên, mối đe dọa mới nhất "rất có thể là một chiến thuật đàm phán", vì vậy các nhà kinh tế vẫn bám sát kịch bản cơ bản, trong đó các mức thuế hiện tại đã được thống nhất, bao gồm 10% cho tất cả hàng hóa và 25% đối với thép, nhôm và ô tô.
Ông Trump đã gửi thư cho một loạt các đối tác thương mại, điều chỉnh mức thuế được đề xuất hồi tháng 4 và đề nghị đàm phán thêm. Trong một bức thư được công bố hôm 12/7, tổng thống Mỹ cảnh báo EU sẽ phải đối mặt với mức thuế 30% từ tháng 8 nếu không thể đàm phán các điều khoản tốt hơn.
Tổng thống Mỹ khẳng định với báo giới tại Căn cứ Liên hợp Andrews ở Maryland hôm 13/7 rằng EU đang đàm phán với Mỹ về thương mại.
EU đã tìm cách đạt được một thỏa thuận sơ bộ với Mỹ để ngăn chặn việc tăng thuế quan, nhưng bức thư thuế từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm tiêu tan sự lạc quan gần đây tại Brussels về triển vọng đạt được một thỏa thuận vào phút chót. Các quốc gia khác như Mexico, quốc gia cũng đang đàm phán với Mỹ, đã rất ngạc nhiên khi nhận được những bức thư tương tự.
Mục tiêu của EU là mức thuế không quá 10% đối với hàng xuất khẩu nông sản. Một cơ chế bù trừ mà một số nhà sản xuất ô tô đã thúc đẩy như một cách để giảm thuế cho các công ty để đổi lấy đầu tư vào Mỹ hiện không còn được xem xét, trong bối cảnh EU lo ngại rằng họ có thể chuyển sản xuất sang bên kia Đại Tây Dương.

Quan chức EU thừa nhận điều nghịch lý đối với khí đốt Nga
Kinhtedothi - Quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, EU chi nhiều tiền mua khí đốt từ Nga hơn tổng số viện trợ dành cho Ukraine trong năm 2024.

Ông Trump gia tăng áp lực thuế, EU - Mexico đứng trước thử thách lớn
Kinhtedothi - Căng thẳng thương mại Mỹ và các đối tác lớn gia tăng sau loạt cảnh báo áp thuế từ ông Trump.

EU vạch “lằn ranh đỏ” với Nga về đàm phán hòa bình Ukraine
Kinhtedothi - Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu tuyên bố, châu Âu không thể chấp nhận Ukraine vừa buộc phải phi quân sự hóa, vừa không được kết nạp vào NATO.