Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

EU vạch “lằn ranh đỏ” với Nga về đàm phán hòa bình Ukraine

Kinhtedothi - Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu tuyên bố, châu Âu không thể chấp nhận Ukraine vừa buộc phải phi quân sự hóa, vừa không được kết nạp vào NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu mới đây cho biết, Liên minh châu Âu (EU) xem việc phi quân sự hóa Ukraine trong khi không cho phép nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) theo đề nghị của Nga là “lằn ranh đỏ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu. Ảnh:Malaysiasun.com

Nga nhiều lần tuyên bố bất kỳ giải pháp nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột Ukraine cũng phải giải quyết toàn diện những mối quan ngại an ninh của họ.

Moscow muốn chính quyền Kiev công nhận thực tế lãnh thổ mới trên thực địa, đồng ý với quy chế trung lập, đảm bảo người nói tiếng Nga không bị phân biệt đối xử, đồng thời phải “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa”. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả những yêu cầu này đã bị Ukraine bác bỏ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Valeurs Actuelles được đăng tải ngày 9/7, Bộ trưởng Lecornu lập luận rằng châu Âu không thể chấp nhận việc Ukraine không có quân đội hoạt động, trong khi từ chối cho nước này gia nhập NATO.

“Lằn ranh đỏ tuyệt đối của châu Âu là giải giáp Ukraine. Chúng ta phải nhất quán. Không thể vừa từ chối Kiev gia nhập NATO, lại vừa chấp nhận việc Ukraine không còn quân đội”, Bộ trưởng Lecornu nói thêm.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp hồi đầu tuần của “Liên minh sẵn sàng” do Anh - Pháp dẫn đầu nhằm hỗ trợ Ukraine, ông Lecornu cho biết nhóm này sẽ hối thúc Kiev xem xét lại hình thái quân đội trong tương lai, đồng thời lưu ý đến các cơ hội cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp.

Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO theo thủ tục nhanh vào tháng 9/2022, chỉ vài tháng sau khi bùng phát cuộc xung đột với Nga.

Dù các quốc gia phương Tây ban đầu ủng hộ nỗ lực này của Kiev, nhưng họ vẫn chưa đưa ra một lộ trình kết nạp cụ thể nào. Trong khi đó, sự ủng hộ cho nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine đã suy giảm do những thất bại quân sự gia tăng và chính sách của Mỹ thay đổi.

Tổng Thanh tra Lầu Năm Góc Robert Storch vào tháng 11 năm ngoái báo cáo rằng “vấn đề tham nhũng tiếp tục làm phức tạp” nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine. Ông Storch đã dẫn chứng nhiều vụ bê bối tham nhũng trong Bộ Quốc phòng Ukraine. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO.

Về phần mình, Nga coi việc NATO mở rộng về phía Đông là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia. Moscow cho rằng tham vọng gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu của Ukraine là một trong những vấn đề then chốt dẫn tới xung đột hiện nay. Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước nhấn mạnh những lo ngại của Moscow đã liên tục bị phớt lờ.

Theo người đứng đầu Điện Kremlin, Ukraine từng đồng ý các giới hạn quân sự trong cuộc đàm phán Istanbul năm 2022, bao gồm hạn chế quân số và vũ khí, nhưng sau đó đã rút khỏi thỏa thuận hòa bình để tìm kiếm chiến thắng quân sự với sự hậu thuẫn của phương Tây.

Moscow đã cáo buộc phương Tây khuyến khích Kiev chiến đấu “đến người Ukraine cuối cùng”, đồng thời cảnh báo viện trợ quân sự của họ không thể giúp nước này đảo ngược tình thế trên chiến trường, mà chỉ khiến cuộc xung đột hiện tại leo thang.

Chính phủ Nga cũng nhiều lần cảnh báo, bất kỳ lực lượng nước ngoài nào chiến đấu cùng quân đội Ukraine sẽ bị coi là mục tiêu tấn công hợp pháp của Moscow.

Trong diễn biến liên quan, truyền thông Mỹ đưa tin các quan chức EU đang cân nhắc một đề xuất cung cấp cho Ukraine thêm 100 tỷ euro (117 tỷ USD) dưới dạng tiền tài trợ và các khoản vay lãi suất thấp.

Theo nguồn tin trên, kế hoạch này bao gồm việc thành lập một quỹ chuyên dụng trong khuôn khổ ngân sách 7 năm sắp tới của khối. Việc giải ngân sẽ bắt đầu vào năm 2028 nếu đề xuất được chấp thuận.

Quỹ được đề xuất là một trong số nhiều hướng đang được xem xét, với quyết định cuối cùng dự kiến ​​sẽ có vào ngày 16/7 hoặc có thể muộn hơn. Báo cáo cho biết thêm rằng tháng trước, Ủy ban châu Âu đã thông báo với các bộ trưởng tài chính EU về ý định của Kiev nhằm tăng chi tiêu quốc phòng năm nay thêm 8,4 tỷ USD bằng các nguồn trong nước.

Theo đài RT, động thái trên sẽ tiếp tục chuyển gánh nặng tài chính sang người nộp thuế ở châu Âu về những gì mà Moscow lên án là cuộc chiến ủy nhiệm của NATO, do Mỹ đứng đầu, với Nga tại Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 4 vừa qua từng bình luận rằng các quan chức ở Brussels "xem khả năng đình chỉ viện trợ cho Ukraine là việc xác nhận về sự bất khả thi về mặt chiến lược của EU" và đang thúc đẩy việc tiếp tục tài trợ để bảo vệ danh tiếng của họ.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Chính trị gia Hy Lạp bất ngờ tuyên bố lệnh trừng phạt Nga của EU phản tác dụng

Chính trị gia Hy Lạp bất ngờ tuyên bố lệnh trừng phạt Nga của EU phản tác dụng

10 Jul, 07:23 AM

Kinhtedothi - Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow không phát huy hiệu quả, thay vào đó lại gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế EU khi các nước thành viên buộc phải chuyển sang nhập khẩu nguồn năng lượng đắt đỏ hơn từ Mỹ và các nước khác, theo nhận định của chính trị gia Hy Lạp Kostas Isikhos.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ