Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng, các nước châu Âu đang tích cực tìm giải pháp bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định. Theo kế hoạch, Ðại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell và Ủy viên EU phụ trách năng lượng Kadri Simson sẽ đến Mỹ trong tuần này nhằm tìm cách tránh những rủi ro đối với nguồn cung khí đốt tại châu Âu. Ông Borrell cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đồng chủ trì cuộc họp Hội đồng Năng lượng EU-Mỹ trong ngày 7/2, thảo luận vấn đề an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng sạch.
Phát biểu trước khi đến Mỹ, ông Borrell kêu gọi EU khẩn trương xem xét khả năng tạo ra các nguồn dự trữ khí đốt chiến lược và mua chung khí đốt, điều mà Uỷ ban châu Âu đã khuyến nghị. Theo ông Borrell, trong ngắn hạn, Brussels sẽ tìm cách đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt ổn định thông qua việc nhập khẩu nhiều hơn khí đốt tự nhiên hóa lỏng, còn gọi là LNG. EU hiện đang đàm phán với Na Uy, Qatar, Azerbaijan và Algeria để tăng nguồn cung LNG.
Trước đó, vào hôm 4/2, một phái đoàn của EU cũng đã tới Azerbaijan nhằm thúc đẩy đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng cho EU. Tại thủ đô Baku, Ủy viên EU phụ trách năng lượng Kadri Simson và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã đồng chủ trì cuộc họp cấp bộ trưởng thường niên của các nước tham gia Hành lang khí đốt phía Nam (SGC). SGC là một tổ hợp gồm ba đường ống dẫn khí đốt nối Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Albania và cuối cùng là biển Adriatic, đến Italia. Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Simson cho biết EU cũng hy vọng rằng tuyến đường ống xuyên Adriatic (TAP) sẽ tăng năng lực xuất khẩu khí đốt sang châu Âu lên 10 tỷ mét khối (bcm) mỗi năm từ khoảng 8 bcm hiện nay.
Trước đó, trong tuyên bố chung trong ngày 28/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch EU Ursula von der Leyen thông báo hai bên đang làm việc cùng nhau để hướng tới việc đảm bảo cung cấp khí đốt tự nhiên một cách liên tục, đầy đủ và kịp thời cho EU nhằm tránh cú sốc về nguồn cung, trong đó có tác động từ tình hình giữa Nga-Ukraine. Hiện Mỹ đã thảo luận với các nước và công ty cung cấp năng lượng chính của thế giới về khả năng chuyển hướng cung cấp sang châu Âu nếu xảy ra tình trạng gián đoạn.
Bên cạnh tìm các nguồn cung khí đốt mới, các nhà lãnh đạo EU cũng đang nỗ lực hạ nhiệt “điểm nóng” căng thẳng quan hệ Nga-Ukraine trong bối cảnh các bên lo ngại về các động thái leo thang quân sự tại khu vực. Dự kiến, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tới Nga và Ukraine, hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Moscow vào hôm nay (7/2) và gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev trong ngày 8/2. Mục tiêu của chuyến thăm này là đạt được bước tiến trong “tháo ngòi căng thẳng” giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Macron có quan điểm rằng châu Âu cần duy trì các kênh liên lạc với Nga. Nhà lãnh đạo Pháp khẳng định châu Âu phải có tiếng nói trong cuộc khủng hoảng đang đe dọa sự ổn định của lục địa này. Tổng thống Macron và người đồng cấp Putin đã 3 lần điện đàm trong 10 ngày gần đây.
Theo hãng tin Tass, ông Christian Cambon - lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng và Lực lượng Vũ trang của Thượng viện Pháp, ngày 7/2 bày tỏ hy vọng rằng chuyến thăm Moscow trong tuần này của Tổng thống Emmanuel Macron sẽ giúp giảm căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ có các cuộc công du tiếp theo tới Ukraine và Nga trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng ỏ khu vực Đông Âu.
Các quốc gia EU đang cố gắng giải “bài toán” an ninh năng lượng trước hết là vì lợi ích của chính EU. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các động thái ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng nêu trên có ý nghĩa quan trọng giúp các bên giữ được “cái đầu lạnh” trong việc kiểm soát “thùng thuốc súng Ukraine” đang có nguy cơ bùng phát thành một cuộc xung đột đẩy cả châu Âu và kinh tế toàn cầu vào một cuộc khủng hoảng mới.