EU đau đầu tìm giải pháp thay thế khí đốt Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Châu Âu đang nỗ lực tìm giải pháp ổn định an ninh năng lượng trong bối cảnh gia tăng lo ngại tình trạng gián đoạn nguồn cung do chiến sự tại Ukraine cũng như mối đe dọa bị Moscow cắt nguồn cung hoàn toàn.

Kỳ vọng vào lượng khí đốt từ Nigeria

Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, Liên minh châu Âu (EU) tìm cách giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Moscow, nhưng mùa Đông đang tới gần và tốc độ dự trữ khí đốt của EU đang giảm mạnh.

Tốc độ dự trữ khí đốt của EU đang giảm mạnh. Ảnh: AP
Tốc độ dự trữ khí đốt của EU đang giảm mạnh. Ảnh: AP

Theo Reuters, phát biểu trong chuyến thăm châu Phi hồi tuần trước, ông Matthew Baldwin - Phó Giám đốc phụ trách ban Năng lượng của Ủy ban châu Âu (EC) hôm 23/7 cho biết EU đang tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt bổ sung từ Nigeria giữa lúc khối này lên kế hoạch đối phó kịch bản Nga cắt giảm nguồn cung nhiên liệu.

Phía Nigeria nói rằng nước này đang cải thiện tình hình an ninh ở đồng bằng sông Niger và có kế hoạch mở lại đường ống Trans Niger sau tháng 8, được kỳ vọng sẽ giúp tăng lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu.

Chia sẻ với báo giới, ông Baldwin nói rằng EU hiện nhập khẩu 14% trong tổng nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nigeria và khối này hoàn toàn có khả năng gấp đôi con số đó. Theo ông Baldwin, Nigeria đã xuất khẩu 23 tỷ m3 khí đốt sang EU trong năm ngoái, nhưng con số này đã giảm dần từ trước đó. Hồi năm 2018, khối này đã mua 36 tỷ m3 LNG từ Nigeria.

Sản lượng dầu và khí đốt ở Nigeria đang bị hạn chế do hoạt động trộm cắp và phá hoại đường ống, khiến nhà máy sản xuất khí đốt Nigeria LNG Ltd tại Đảo Bonny hoạt động chỉ với với 60% công suất.

Tuy nhiên, ông Baldwin lưu ý rằng nếu nhà máy có thể tăng công suất lên đến hơn 80%, Nigeria có thể tăng thêm lượng LNG được giao ngay đến châu Âu. Quan chức EU cho hay phía Nigeria đã mời ông trở lại thảo luận một lần nữa vào cuối tháng 8 tới, vì họ nghĩ hai bên có thể đạt tiến bộ thực sự về việc này.

Nỗ lực thu hẹp bất đồng về kế hoạch tiết kiệm khí đốt

Đại sứ các quốc gia thành viên EU cuối tuần trước đã thảo luận về một thỏa hiệp cho thỏa thuận theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) rằng tất cả 27 quốc gia EU phải cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt, sau khi có sự phản đối rộng rãi của các chính phủ. Dự kiến, các đặc phái viên của EU sẽ đưa ra các sửa đổi đối với kế  hoạch cắt giảm khí đốt trước khi diễn ra phiên họp khẩn của các bộ trưởng năng lượng EU trong tuần này.

Trước đó, trong một nỗ lực đối phó với kịch bản xấu nhất là phía Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt, EC hôm 20/7 thông báo kế hoạch tiết kiệm khí đốt, đồng thời cảnh báo nếu không cắt giảm sâu ngay từ bây giờ thì họ có thể gặp khó khăn về nhiên liệu trong mùa Đông trong trường hợp Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt.

EC tuần trước đã đề xuất mức sử dụng khí đốt thấp hơn 15% kể từ tháng 8 tới và kéo dài cho đến tháng 3/2023 để chuẩn bị cho việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Ảnh: Reuters
EC tuần trước đã đề xuất mức sử dụng khí đốt thấp hơn 15% kể từ tháng 8 tới và kéo dài cho đến tháng 3/2023 để chuẩn bị cho việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Ảnh: Reuters

Chủ tịch EC Ursula von der Layen đã đề xuất mức sử dụng khí đốt thấp hơn 15% kể từ tháng 8 tới và kéo dài cho đến tháng 3/2023 để chuẩn bị cho việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Các mục tiêu ban đầu sẽ là tự nguyện, nhưng sẽ trở thành bắt buộc nếu EC tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng.

Theo Reuters, EU đưa ra đề xuất trên trong bối cảnh mặc dù ngày 21/7 Nga đã nối lại vận chuyển khí đốt đến châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 sau 10 ngày tạm ngừng để bảo trì, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu Moscow có đưa ra một quyết định khác dẫn tới một cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu lục này trong mùa Đông năm nay hay không.

Tuy nhiên, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đều tuyên bố phản đối kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt xuống 15% trong mùa Đông tới.

"Tôi rất tiếc khi nói rằng Tây Ban Nha không ủng hộ đề xuất này" - Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết ngay sau khi EC công bố kế hoạch cắt giảm khí đốt. Đề cập rằng kế hoạch đã được tiết lộ mà không có cuộc tranh luận trong Hội đồng châu Âu, Bộ trưởng Ribera tuyên bố EU "không thể yêu cầu một sự hy sinh" khi "họ thậm chí chưa hỏi ý kiến ​​trước của chúng tôi”.

Cùng chung quan điểm, người phát ngôn của chính phủ Hy Lạp Giannis Oikonomou hôm 21/7 tuyên bố, Athens “không đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của EU về việc cắt giảm 15% mức sử dụng khí đốt”. Người phát ngôn Oikonomou nói rằng chính phủ Hy Lạp đã đệ trình các đề xuất riêng lên EU.

Bồ Đào Nha cũng không chấp nhận đề xuất của EU - Bộ trưởng Năng lượng Joao Galamba nói với tờ Publico của Bồ Đào Nha hôm 21/7.  Theo Bộ trưởng Galamba, chương trình phân phối khí đốt toàn EU không tính đến thực tế là Bồ Đào Nha thiếu kết nối đường ống với phần còn lại của châu Âu, có nghĩa là khí đốt tiết kiệm được ở Bồ Đào Nha không thể được sử dụng để bù đắp cho sự thiếu hụt ở những nơi khác.

Theo Bloomberg, trong khi Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha lên tiếng công khai phản đối kế hoạch của EU, giới chức Italia, Ba Lan, Hungary, Pháp, Malta và Cyprus cũng phản đối kế hoạch của EU.