Tại Đức, nền kinh tế động lực thúc đẩy sự phát triển của Eurozone, GDP trong quý 2 chỉ tăng 0,1%, so với mức tăng 1,3% trong quý 1 khiến các chuyên gia lo ngại về triển vọng tăng trưởng chung của khu vực.Trước đó, Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 của Eurozone cũng công bố tốc độ tăng trưởng 0% trong quý 2, GDP của Italia cũng chỉ tăng 0,3% còn Tây Ban Nha tăng 0,2%. Tốc độ tăng trưởng trì trệ này cùng với việc đẩy mạnh thắt chặt chi tiêu tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia sẽ đẩy Eurozone vào một vòng tròn luẩn quẩn và rất khó để cắt giảm thâm hụt ngân sách theo đúng mục tiêu của EU.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bơm 22 tỉ Euro (31,7 tỉ USD) vào thị trường trái phiếu nhằm giúp các nước trong khu vực đối phó với khủng hoảng nợ công. Gói can thiệp này của ECB lớn hơn nhiều so với số tiền 16,5 tỉ Euro mà tổ chức này đã sử dụng trong tuần can thiệp đầu tiên vào thị trường Hy Lạp hồi tháng 5/2010. Các chuyên gia nhận định rằng qui mô của gói can thiệp này cho thấy quyết tâm của ECB trong việc giải quyết triệt để vấn đề nợ công. Từ ngày 8/8 đến nay, ECB đã buộc phải đẩy mạnh việc mua vào trái phiếu Italia và Tây Ban Nha sau khi giới chức nước này thất bại trong việc thuyết phục người dân rằng họ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nợ.