EU khó xử

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến chiến sự giữa Nga và Ukraine, vấn đề nan giải nhất hiện tại đối với EU không phải là thiếu tiền viện trợ cho Ukraine mà là chuyện quyết định có công nhận ngay nước này làm ứng cử viên gia nhập EU hay không.

Trong những ngày vừa qua, lãnh đạo nhiều nước thành viên và lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống bộ máy hành chính quyền lực của EU theo nhau công cán đến Ukraine để khích lệ nước này trong cuộc chiến với Nga.

Tuy nhiên lãnh đạo những nước này đều không dám đảm bảo chắc chắn là Ukraine sẽ sớm được gia nhập EU. Ngay đến cả việc dành cho Ukraine quy chế nước ứng cử viên gia nhập EU thôi cũng là quyết định rất khó khăn đối với EU bởi trong nội bộ EU chưa có sự đồng thuận quan điểm tuyệt đối cần thiết.

EU trong tình thế rất khó xử. Trong số 27 thành viên hiện tại của EU chỉ có Ba Lan và 3 nước ở bán đảo Baltic ủng hộ Ukraine được công nhận ngay là nước ứng cử viên gia nhập EU. Năm 1993, liên minh này đã định ra những tiêu chí tiên quyết cho việc công nhận nước ứng cử viên gia nhập liên ninh là ổn định chính trị xã hội, dân chủ, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và năng lực thực tế thực hiện mọi luật lệ chung của liên minh. Ukraine hiện tại còn ở cách rất xa tình trạng đáp ứng được những điều kiện này.

EU hiện khó xử bởi phải quyết định lựa chọn giữa kiên định nguyên tắc hay bất chấp nguyên tắc và dẫu lựa chọn như thế nào thì cái giá phải trả cũng luôn rất đắt. Vì thế còn có thể nói kết cục cuối cùng trong cuộc xung đột ở Ukraine chi phối rất mạnh mẽ và cơ bản tương lai của chính EU. Và cuộc xung đột này càng kéo dài, EU càng thêm khó khăn và khó xử.

Theo cách khác thì cũng có thể nói Ukraine đã tận dụng cuộc chiến hiện tại với Nga để biến cả EU lẫn NATO trở thành con tin có giá trị vô cùng chiến lược đối với Ukraine, để ít nhất cũng được EU dành cho quy chế nước ứng cử viên gia nhập liên minh và dẫu không được NATO thu nạp thì cũng được ở bên cạnh NATO thông qua EU.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần