Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU kỳ vọng phục hồi ngành “công nghiệp không khói”

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị viện châu Âu hôm 9/6 đã bỏ phiếu với tỷ lệ ủng hộ áp đảo thông qua Chứng chỉ Covid-19 kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU), tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại khắp EU và khu vực Schengen từ mùa Hè này.

 Ảnh minh họa
Các văn bản này phải được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua, trước khi có hiệu lực vào ngày 1/7. Chứng chỉ gồm 3 nội dung là chứng nhận tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc Covid-19. Văn bản này được cấp miễn phí dưới dạng giấy hoặc điện tử.
Sau một thời gian “ngủ đông” vì đại dịch Covid-19, chứng chỉ này được kỳ vọng là phao cứu sinh giúp ngành du lịch châu Âu phục hồi trong mùa Hè năm nay. Cho đến nay, hơn 1 triệu người ở châu Âu đã nhận được "Chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 của EU". 9 quốc gia EU đã phát hành chứng nhận này, trong đó bao gồm: Hy Lạp, Tây Ban Nha, Croatia, Đức, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Litva và Ba Lan.

Quyết định này được Nghị viện châu Âu đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại khu vực này đã giảm đáng kể nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc. Trước diễn biến tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19, các nước châu Âu đang dần có những giải pháp để từ đó mở ra hy vọng hồi sinh ngành du lịch. Mới nhất, theo Đài Deutsche Welle, Pháp đã mở cửa đón du khách trở lại từ ngày 9/6. Theo quy định mới, những người đã tiêm vaccine đến từ EU và các nước trong "danh sách xanh" của Pháp (như Hàn Quốc, Nhật Bản và Israel) có thể tránh được yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, những khách chưa tiêm vaccine đến từ những nơi này có thể nhập cảnh nếu có kết quả xét nghiệm âm tính. Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng mở biên giới đón du khách đã tiêm vaccine đầy đủ từ nhiều nước trên thế giới từ ngày 7/6. Còn Hy Lạp đã mở cửa đón du khách từ khoảng 50 nước, trong đó có các quốc gia thành viên EU, Mỹ, Canada, Nga và Trung Quốc.

Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn lây lan nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới, du lịch nội khối chính là đòn bẩy góp phần phục hồi ngành “công nghiệp không khói” của EU. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù đã có những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch, các nước thành viên EU vẫn cần thận trọng khi mở cửa trở lại và thúc đẩy du lịch khi xuất hiện các biến thể mới của dịch Covid-19.