Trong thông cáo được EU công bố ngày 30/7, liên minh cho biết lệnh trừng phạt áp đặt với bộ phận công nghệ đặc biệt của cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) là lệnh trừng phạt liên quan đến tội phạm công nghệ đầu tiên của EU.
EU cáo buộc cơ quan tình báo Nga đã thực hiện hai vụ tấn công mạng vào tháng 6/2017 khiến một số công ty ở châu Âu phải chịu thiệt hại tài chính lớn. GRU cũng bị cáo buộc thực hiện hai vụ tấn công mạng nhằm vào lưới điện Ukraine trong năm 2015 và 2016.
Bên cạnh đó, 4 cá nhân làm việc cho GRU cũng bị trừng phạt vì cáo buộc tham gia vào một cuộc tấn công mạng nhằm vào Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) ở Hà Lan hồi tháng 4/2018.
Ngoài cơ quan tình báo Nga, EU cũng áp biện pháp trừng phạt đối với công ty Chosun Expo của Triều Tiên với cáo buộc đã hỗ trợ nhóm tin tặc Lazarus. Nhóm này cũng bị nghi đứng sau một loạt các cuộc tấn công lớn trên thế giới, bao gồm một vụ trộm 81 triệu USD từ tài khoản của Ngân hàng Bangladesh tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ ở New York năm 2016.
Chosun Expo cũng bị cáo buộc liên quan đến cuộc tấn công vào hãng phim Sony Pictures để ngăn chặn việc phát hành một bộ phim châm biếm Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vào năm 2014.
Trước đó, hồi năm 2019, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên nhóm tin tặc Lazarus và hai nhóm tin tặc khác của Triều Tiên vì các cáo buộc tương tự. Bộ này cũng nói cơ quan tình báo của Triều Tiên đứng sau các nhóm tin tặc này.
Tuy nhiên, Triều Tiên bác mọi cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công mạng.
EU cũng áp lệnh trừng phạt vào công ty phát triển công nghệ Haitai của Trung Quốc vì bị nghi đã hỗ trợ các cuộc tấn công mạng trong Chiến dịch Cloud Hopper nhằm đánh cắp dữ liệu thương mại nhạy cảm của các công ty đa quốc gia trên toàn thế giới. Ngoài ra, 2 cá nhân Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến các vụ tấn công cũng bị trừng phạt.
Lệnh trừng phạt của EU bao gồm cấm đi lại và đóng băng tài sản. Các cá nhân, công ty và các tổ chức khác của EU bị cấm cung cấp tiền cho những bên nằm trong danh sách đen.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 31/7, phái đoàn ngoại giao Bắc Kinh tại EU khẳng định rằng “Trung Quốc là quốc gia kiên quyết bảo vệ an ninh mạng và là một trong những nạn nhân lớn nhất của tin tặc”. “Trung Quốc mong muốn vấn đề an ninh không gian mạng toàn cầu phải được duy trì thông qua đối thoại và hợp tác, chứ không phải bằng các biện pháp trừng phạt đơn phương”- tuyên bố nêu rõ.