EU thừa nhận các gói trừng phạt chống Nga không có hiệu quả

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đài RT, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói rằng Nga đã thành công trong việc chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, bày tỏ lấy làm tiếc về thực tế này.

EU thừa nhận các gói trừng phạt chống Nga không có hiệu quả. Ảnh: Tass
EU thừa nhận các gói trừng phạt chống Nga không có hiệu quả. Ảnh: Tass

"Đến nay, chúng tôi thấy rằng Nga đang chống đỡ tốt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây," Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết hôm 27/4, đồng thời khẳng định Warsaw sẽ hối thúc Liên minh châu Âu (EU) tăng cường thêm các biện pháp cấm vận mới nhằm thay đổi thực tế này.

Phía Moscow cũng tuyên bố về sự thất bại trong kế hoạch của các quốc gia "không thân thiện" trong nỗ lực nhằm "bóp nghẹt Nga về mặt kinh tế".

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này đã ngăn chặn thành công các đòn tấn công trừng phạt, đảm bảo nền kinh tế không sụp đổ.

Tổng thống Putin cũng đã chỉ thị chính phủ nước này tiếp tục thực hiện các biện pháp chống khủng hoảng và tăng cường kiểm soát, đảm bảo thị trường nội địa hoạt động trơn tru.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo rằng EU đang làm việc “tích cực” về một kế hoạch mới nhằm gia tăng các biện pháp trừng phạt chống Nga liên quan đến chiến dịch quân dự của Moscow tại Ukraine. “Gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga sẽ được thông qua. Chúng tôi đang thảo luận về khả năng áp cấm vận với dầu mỏ của Moscow," bà Ursula von der Leyen nói.

Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria. Đây là những quốc gia đầu tiên bị tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom cắt nguồn cung kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Quyết định dừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt sang Bulgaria và Ba Lan được Gazprom đưa ra hôm 27/4 khi dẫn ra rằng 2 nước này không thanh toán năng lượng bằng đồng rúp được cung cấp trong tháng 4.

Phản ứng trước động thái của Nga, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng Nga có thể đang cố gắng gây sức ép Ba Lan, song ông nhấn mạnh nước này đã chuẩn bị cho tình huống này bằng cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình. Theo Thủ tướng Mateusz, các kho chứa khí đốt của Ba Lan đã đầy 76%.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cũng cáo buộc động thái của Nga là âm mưu "tống tiền". "Việc Gazprom thông báo đơn phương ngừng cung cấp khí đốt cho khách hàng ở châu Âu là một nỗ lực khác của Nga nhằm sử dụng khí đốt như một công cụ tống tiền," bà von der Leyen cho biết.

Về phần mình, Nga đã phủ nhận việc sử dụng xuất khẩu khí tự nhiên như một công cụ để "tống tiền" châu Âu.

Phát biểu trước báo giới ngày 27/4, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc chuyển sang thanh toán khí đốt bằng đồng rúp xuất phát từ chính những hành động của EU.

Tháng trước, Tổng thống Putin đã thông báo những quốc gia "không thân thiện" sẽ phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng nội tệ Nga.

"Đây không phải là tống tiền. Nga đã và vẫn là một nhà cung cấp đáng tin cậy, tuân thủ các nghĩa vụ của mình. Đối với những điều kiện trong sắc lệnh của Tổng thống, việc chúng được đưa ra là do những hành động thù địch chưa từng có nhằm chống lại chúng tôi," ông Peskov khẳng định, cho biết quyết định này đã được trao đổi với các khách hàng mua khí đốt một thời gian dài trước khi nó có hiệu lực.