Hãng tin Sputnik đưa tin, Cao ủy Kinh tế EU Paolo Gentiloni hôm 30/5 thừa nhận rằng liên minh sẽ đối mặt nhiều thách thức về pháp lý nếu muốn tịch thu tài sản của Nga đang bị phong tỏa ở châu Âu để hỗ trợ Ukraine tái thiết, vì quá trình chuyển đổi từ “đóng băng” tài sản sang tịch thu là rất phức tạp.
Theo quan chức EU, nguyên tắc pháp quyền sẽ được tôn trọng "trong mọi trường hợp". "Các nước EU đang cân nhắc cơ sở pháp lý để thực hiện việc thu giữ tài sản Nga trị giá từ 1,8-1,9 tỷ euro (tương đương 1,9-2 tỷ USD) đang bị phong tỏa ở Italia. Đây không phải là một quyết định chính trị, mà nó đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý rõ ràng,” ông Gentiloni nói với đài Sputnik của Nga.
Trước đó, hãng tin Tass dẫn một nguồn tin ngoại giao của Brussels hôm Chủ nhật cho biết các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU sẽ thảo luận về vấn đề hợp pháp hóa việc thu giữ tài sản của Nga bị phong tỏa tại hội nghị thượng đỉnh từ ngày 30-31/5.
Tuần trước, Lithuania, Slovakia, Latvia và Estonia đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) tịch thu tài sản của Nga bị EU phong tỏa để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine sau xung đột quân sự với Moscow.
EC hôm 18/5 nói rằng có thể kiểm tra xem liệu có thể thu giữ tài sản của Nga bị phong tỏa để tài trợ cho Ukraine theo luật quốc gia và châu Âu hay không, nhưng không đề cập đến dự trữ của ngân hàng trung ương Nga.
Vào giữa tháng 3 vừa qua, EC đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm “Đóng băng và thu giữ”, nhằm xác định nguồn tài sản của Nga đang bị “đóng băng” ở châu Âu cũng như xem xét khả năng tịch thu số tài sản này.
Nga đã triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine sau khi cho rằng Kiev không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết vào năm 2014. Nước này sau đó cũng đã công nhận nền độc lập của 2 nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk. Điện Kremlin đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa ở Donbass bằng vũ lực.
Phương Tây đã lên án vụ chiến dịch quân sự của Nga và áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Moscow. Theo đó, hàng nghìn cá nhân Nga đã bị đưa vào danh sách, nhiều tài sản và tiền bạc của họ bị chính phủ khắp châu Âu tịch thu hoặc “đóng băng”.
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina, khoảng 300 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga đã bị đóng băng do các lệnh trừng phạt của phương Tây được áp đặt sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Moscow coi các động thái này là bất hợp pháp và phi lý. Quốc gia này cũng đã trả đũa bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các quốc gia được cho là "không thân thiện".