EU tiếp tục bị chia rẽ vì khủng hoảng di cư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình Trung Đông bất ổn và làn sóng di cư đã trở thành vấn đề tâm điểm của thế giới trong thời gian gần đây, khiến các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa bị chia rẽ sau những tranh cãi vì khủng hoảng nợ tại Hy Lạp.

Ngày 12/9, hàng chục ngàn người đã xuống đường tuần hành tại thủ đô của nhiều nước châu Âu để bày tỏ sự ủng hộ người di cư đến từ các quốc gia đói nghèo và xung đột. Nhiều nước châu Âu đã ủng hộ hạn ngạch nhập cư mà Ủy ban châu Âu đã thông qua hồi tuần trước, điển hình như Đức - nước có tỷ lệ người nhập cư lớn nhất Lục địa già hiện nay. Trong 2 ngày cuối tuần qua, Đức tiếp tục đón nhận thêm 17.000 người di cư và cam kết sẽ làm hết sức mình để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.
EU tiếp tục bị chia rẽ vì khủng hoảng di cư - Ảnh 1
 
Thụy Điển cũng là 1 trong những nước EU đồng quan điểm với Đức. Theo thống kê của Eurostat năm 2014, Thụy Điển đã tiếp nhận khoảng 600.000 người nhập cư.

Tại Anh, gần 300.000 người đã ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu chính phủ chấp nhận thêm người tị nạn và tăng cường hỗ trợ cho người nhập cư. Những động thái này buộc chính quyền của Thủ tướng David Cameron phải thay đổi quan điểm cứng rắn đối với người di cư và đưa ra cách tiếp cận mềm dẻo hơn. Trong khi đó, tại Barcelona, Tây Ban Nha, sau lời kêu gọi của Thị trưởng Colau, hàng trăm người dân đã nhường phòng của mình cho những người nhập cư nghèo khổ.
EU tiếp tục bị chia rẽ vì khủng hoảng di cư - Ảnh 2
Tuy nhiên, không phải quốc gia EU nào cũng sẵn sàng chấp nhận gánh nặng tiếp nhận người di cư từ Trung Đông. Hungary đang trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng hiện nay khi chính quyền nước này tuyên bố sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn như bắt người di cư đi tù, không cho tàu chở người di cư qua biên giới sang Áo hoặc Đức… Thủ tướng Ba Lan cũng phản đối việc tiếp nhận người di cư.

Có thể nói, Đông Âu đang là những nước phản đối việc tiếp nhận người di cư gay gắt nhất. Điển hình như việc Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier phải thân chinh đến Prague để thuyết phục những người đồng cấp CH Séc, Hungary, Ba Lan và Slovia chấp nhận kế hoạch phân bổ 160.000 người di cư của Hội đồng châu Âu nhưng đành phải thất vọng ra về.
Nỗi tuyệt vọng của những người di cư bị từ chối không cho qua biên giới Hungary để tới Áo, Đức.
Nỗi tuyệt vọng của những người di cư bị từ chối không cho qua biên giới Hungary để tới Áo, Đức.
Không chỉ khiến giới chức EU phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì thẳng thừng phản đối hạn ngạch phân bổ người di cư, đoạn băng rò rỉ trên internet cho thấy cảnh sát Hungary ném thức ăn cho người nhập cư cuối tuần vừa qua đã gây ra một làn sóng bất bình lớn. Nhiều tổ chức nhân quyền đã lên án hành động này của giới chức Hungary đã đi ngược lại mục tiêu của EU.
Hình ảnh cảnh sát Hungary ném thức ăn cho người di cư gây phẫn nộ.
Hình ảnh cảnh sát Hungary ném thức ăn cho người di cư gây phẫn nộ.
Hơn lúc nào hết EU đang có nguy cơ bị chia rẽ bởi cuộc khủng hoảng di cư, các nhà quan sát cho rằng, tình trạng lão hóa nhanh chóng của châu lục là một yếu tố để giới chức khu vực tính toán thiệt hơn để tiếp nhận người tị nạn.

Trong lúc các nhà lãnh đạo EU đang cân nhắc thiệt hơn, những con người khốn khổ tìm đường đến với châu Âu đã gọi hành trình gian nan, thậm chí nguy hiểm cả tính mạng là hành trình hy vọng. Nhưng với việc bị giữ lại ở biên giới Áo - Hungary, Ba Lan,... hành trình mang tên hy vọng ấy đã bị đổi tên thành hành trình tuyệt vọng.