EU tự mâu thuẫn

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - EU chủ ý thông qua quyết định lịch sử đối với Ukraine và Moldovia để thể hiện là một thành viên quan trọng của cuộc chơi chính trị an ninh hiện tại ở châu Âu.

EU hôm 23/6 đã thông qua quyết định lịch sử đối với Ukraine và Moldova. Ảnh: AFO
EU hôm 23/6 đã thông qua quyết định lịch sử đối với Ukraine và Moldova. Ảnh: AFO

Trong EU hiện tại có hai tình trạng lạm phát: lạm phát về giá cả tăng cao và lạm phát về sử dụng tính từ "lịch sử". Ở hội nghị cấp cao vừa rồi của EU, tính từ này được giới chức sắc trong EU sử dụng không biết bao nhiêu lần để thể hiện đánh giá về quyết định của EU dành cho Ukraine và Moldova quy chế và tư cách nước ứng cử viên gia nhập EU. Vấn đề ở chỗ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của tính từ "lịch sử" trong trường hợp này đều có hai mặt của nó.

EU đúng là đã có quyết định lịch sử khi công nhận một quốc gia đang sa lầy trong chiến sự với quốc gia khác là ứng cử viên gia nhập liên minh. Ở đây, EU tự mâu thuẫn với một nguyên tắc cơ bản do chính EU đặt ra. Chỉ riêng điều này không thôi đã đủ để cho thấy EU dành cho Ukraine, và cả Moldova nữa, sự ưu ái đặc biệt này vì mục đích chính trị chứ không phải vì hai nước kia đã đáp ứng được đầy đủ các quy định, điều kiện và tiêu chí của EU như 5 đối tác khác đã từng được EU dành cho quy chế và tư cách này là Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Bắc Macedonia, Albania, Montenegro.

Bosnia-Hercegovina và vùng Kosovo mong muốn từ lâu nhưng đâu đã được EU dành cho quy chế và tư cách ứng cử viên gia nhập. Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia và Montenegro đã đi được xa hơn khi ở trong tiến trình đàm phán với EU về gia nhập EU, nhưng đàm phán rất nhiều năm rồi mà vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể gì.  Bắc Macedonia và Anbani bị Bulgaria phủ quyết việc bắt đầu tiến hành đàm phán với EU về gia nhập EU ngay tại hội nghị cấp cao này. Bi hài thay khi ngay sau hội nghị cấp cao ấy của EU, nghị viện Bulgaria đã thông qua bộ luật về chủ trương không còn phủ quyết Albani và Bắc Macedonia bắt đầu đàm phán với EU về gia nhập EU.

Việc EU mâu thuẫn với chính nó về nguyên tắc cũng còn có ý nghĩa lịch sử đối với EU ở chỗ đối với diện đối tác này thì EU yêu cầu phải đáp ứng đầy đủ mọi quy định, điều kiện và tiêu chí của EU để được công nhận là ứng cử viên trong khi Ukraine và Moldova được công nhận trước và đáp ứng các yêu cầu của EU sau. Nguyên tắc là không nguyên tắc, là kiên định nguyên tắc và vứt bỏ nguyên tắc  khi có lợi. Điều này cũng có thể thấy trong chuyện thành viên EU và NATO Lithuania phong tỏa vận tải quá cảnh của Nga và Kaliningrad qua lãnh thổ Lithuania.

Hồi năm 2002, EU và Lithuania đã ký kết với Nga hiệp ước về đảm bảo vận tải của Nga và Kaliningrad quá cảnh qua Lithuania. Thoả thuận này giúp Lithuania có thể gia nhập EU. Bây giờ, EU công khai ủng hộ Lithuania đơn phương vi phạm cam kết trong hiệp ước với Nga.

Trong trường hợp Ukraine và Moldava, EU không ngại ngần tự mâu thuẫn với chính mình về nguyên tắc vì hai mục đích.

Thứ nhất là khích lệ Moldova  xa cách Nga và Ukraine quyết chiến với Nga. Giống như NATO, EU bây giờ mong muốn không những chỉ có Nga không thể thắng ở Ukraine mà còn Ukraine thắng Nga ở Ukraine. Với quyết định chính trị này, EU trên danh nghĩa đảm nhận trách nhiệm về tương lai của Ukraine và Moldova chứ không cam kết chắc chắn là rồi hai nước này sẽ được gia nhập EU. Hai nước này đứng trong hay ở ngoài EU là chuyện của nhiều năm sau này trong khi hiện tại là con bài của EU để đối phó Nga. Ukraine và Moldova hiện rất phấn khích và tràn trề hào khí. Nhưng tâm trạng này rồi sẽ chỉ như ngọn lửa rơm.

Thứ hai, EU chủ ý thông qua quyết định lịch sử đối với Ukraine và Moldova  để thể hiện là một thành viên quan trọng của cuộc chơi chính trị an ninh hiện tại ở châu Âu, đóng vai trò quyết định tới tương lai của châu Âu và trước hết tới kết cục cuối cùng của chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ucraine. EU chấp nhận trả giá đắt trong nội bộ và tổn hại uy danh bởi tự bộc lộ "tiêu chuẩn kép" trong nguyên tắc để hiện thực hoá tham vọng này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần