Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU vào thế khó khi định tịch thu tài sản Nga bị phong tỏa

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Euroclear lo ngại những rắc rối phát sinh sau khi phương Tây sử dụng lợi nhuận từ tài sản Nga bị phong tỏa để hỗ trợ Ukraine.

Euroclear, công ty thanh toán hàng đầu có trụ sở tại Bỉ đang nắm giữ phần lớn tài sản bị đóng băng của Nga, khẳng định không muốn chịu trách nhiệm nếu Liên minh châu Âu (EU) quyết định tịch thu số tiền này để chuyển cho Ukraine. Tổng giá trị tài sản bị phong tỏa của ngân hàng trung ương Nga tại Euroclear lên tới khoảng 197 tỷ euro (213 tỷ USD).

Theo báo cáo, các tài sản bị đóng băng này đã tạo ra 5,15 tỷ euro (5,56 tỷ USD) tiền lãi chỉ trong ba quý đầu tiên của năm 2024. Tuy nhiên, tranh cãi đã nảy sinh khi EU quyết định sử dụng một phần lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine, thay vì trực tiếp khai thác số tài sản này. Nga đã cáo buộc EU thực hiện hành vi “trộm cắp”.

Euroclear lo ngại những rắc rối phát sinh sau khi phương Tây sử dụng lợi nhuận từ tài sản Nga bị phong tỏa đễ hỗ trợ Ukraine. Ảnh: TASS
Euroclear lo ngại những rắc rối phát sinh sau khi phương Tây sử dụng lợi nhuận từ tài sản Nga bị phong tỏa đễ hỗ trợ Ukraine. Ảnh: TASS

Valerie Urbain, Giám đốc điều hành của Euroclear, cảnh báo bất kỳ kế hoạch tịch thu tài sản nào cũng cần phải xem xét toàn diện, bao gồm cả việc giải quyết các nghĩa vụ pháp lý liên quan. Bà nhấn mạnh: “Trong vài năm nữa, Nga sẽ yêu cầu lấy lại tài sản của mình và lúc đó chúng ta sẽ không còn gì để trả cho họ.”

Bà cho biết cần phải có chế tài phù hợp đối với toàn bộ các khoản nợ phải trả liên quan đến những tài sản bị đóng băng này nhằm đảm bảo tính hợp pháp và tránh các tranh chấp trong tương lai.

Vào tháng 7 năm nay, Euroclear đã chuyển khoảng 1,55 tỷ euro (1,63 tỷ USD) lãi suất từ tài sản bị đóng băng của Nga vào Quỹ châu Âu dành cho Ukraine.

Đến tháng 10, Nghị viện châu Âu đã phê duyệt khoản vay lên tới 35 tỷ euro cho Ukraine, dự kiến được hoàn trả bằng tiền lãi từ các quỹ Nga bị phong tỏa. Khoản vay này nằm trong cam kết của EU, cùng với gói hỗ trợ tài chính trị giá 50 tỷ USD đã được G7 thông qua vào tháng 6.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng công bố khoản vay 20 tỷ USD cho Ukraine vào thứ Ba, sử dụng lợi nhuận từ các tài sản của Nga. Tuy nhiên, với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump từng đe dọa cắt giảm viện trợ cho Kiev, khả năng tận dụng các tài sản của Nga để hỗ trợ Ukraine có thể sẽ bị đặt dấu chấm hỏi.

Giám đốc điều hành Euroclear bày tỏ quan ngại về việc tịch thu tài sản Nga có thể làm suy yếu vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu của đồng euro.

“Hành động này không chỉ gây rủi ro pháp lý mà còn ảnh hưởng tới sự ổn định chung của tài chính khu vực” - bà cảnh báo.

Những lo ngại tương tự cũng được Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Christine Lagarde, đưa ra trước đó, nhấn mạnh các động thái như vậy có thể làm tổn hại uy tín tài chính của khu vực.

Áp lực từ Nghị viện châu Âu

Hôm thứ Ba, một phái đoàn từ Nghị viện châu Âu đã đến Kiev để thảo luận về các kế hoạch viện trợ tài chính của EU cho Ukraine. Người đứng đầu phái đoàn, Iratxe Garcia, nhấn mạnh việc sử dụng 200 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine là một đề xuất cần được xem xét nghiêm túc. Ông cũng kêu gọi Đại diện cấp cao của EU, Kaja Kallas, đưa ra khung pháp lý rõ ràng cho việc này.

Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine tiếp tục kéo dài, EU đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc cân đối giữa hỗ trợ Kiev và duy trì ổn định tài chính nội khối. Việc sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga mang lại tiềm năng hỗ trợ tài chính đáng kể, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức pháp lý và chính trị lớn, không chỉ từ phía Nga mà còn từ nội bộ EU.