Theo bà Merkel, việc phát hành Eurobond vào thời điểm này "chính xác là một con đường sai lầm để đi theo bởi chúng sẽ dẫn tới một liên minh nợ thay vì sự ổn định hơn". Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Schaeuble cho biết chừng nào không có một chính sách tài chính chung thì sẽ không thể có chung mức lãi suất, đồng thời cho biết động thái này sẽ khiến Đức mất hàng tỉ Euro mỗi năm. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Bộ trưởng Tài chính Bỉ Didier Reynders lên tiếng ủng hộ đề xuất của Hy Lạp, Tây Ban Nha phát hành trái phiếu chung cho cả khu vực, đồng thời tăng gói cứu trợ để ngăn tình trạng bán tháo trái phiếu chính phủ và cố phiếu ngân hàng của các nước khủng hoảng nợ. Anh cũng kêu gọi Đức và Pháp đồng ý việc phát hành trái phiếu Euro và Đức sẽ đứng ra bảo lãnh các khoản nợ của các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha. Ngược lại, Đức và Pháp lại yêu cầu Anh áp dụng luật thuế đánh vào các giao dịch tài chính để hỗ trợ cho các nước khu vực đồng Euro.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jan Kees de Jager cũng hối thúc Berlin duy trì thái độ cứng rắn đối với Eurobond khi nói rằng chúng sẽ có ảnh hưởng "cố hữu" trong việc khuyến khích nợ thêm. Theo ông, trong ngắn hạn Eurobond có thể làm bình ổn thị trường, nhưng nếu không thay đổi các điều kiện cơ bản trong 5 năm nữa Eurozone sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới có thể tệ hại hơn cuộc khủng hoảng hiện nay bởi các nền kinh tế mạnh hơn như Đức hay Hà Lan sẽ mắc nợ nhiều hơn. Hiện, những tuyên bố qua lại giữa nhóm các nước đưa ra đề xuất phát hành Eurobond và các quốc gia phản đối có thể làm gia tăng bất đồng nội bộ của Eurozone.