Evergrande chính thức vỡ nợ, đúng kế hoạch của Bắc Kinh?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/12, Fitch Ratings xác nhận rằng "gã khổng lồ" phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande đã vỡ nợ trái phiếu trị giá hơn 1,2 tỷ USD, đồng thời hạ cấp trạng thái của công ty xuống mức xếp hạng "mặc định hạn chế".

Tòa nhà Trung tâm Evergrande ở Thượng Hải, Trung Quốc, chụp ngày 22/9/2021. Ảnh: AFP 
Đây là lần đầu tiên China Evergrande Group bị tuyên bố vỡ nợ, sau khi các nhà chức trách Trung Quốc đã nỗ lực để sự sụp đổ của "ông lớn" này tránh lây lan khắp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Cơ quan xếp hạng Fitch ngày 9/12 cũng tuyên bố, Kaisa - một công ty bất động sản nhỏ hơn nhưng là một trong những công ty mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc - đã vỡ nợ 400 triệu USD trái phiếu.
Cả Evergrande và Kaisa vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về các báo cáo mới nhất. Tuy nhiên, Evergrande tuần trước cho biết họ có kế hoạch tiến hành việc tái cơ cấu các khoản nợ của mình.
Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dị Cương tuyên bố, Bắc Kinh có kế hoạch xử lý tương lai của Evergrande theo hướng thị trường.
"Quyền và lợi ích của các chủ nợ và cổ đông sẽ được tôn trọng đầy đủ theo thâm niên hợp pháp của họ", truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Dị Cương nói trong một đoạn video được ghi hình sẵn để gửi thông điệp tới một hội thảo cấp cao nhất ở Hồng Kông.
Nhưng ngay cả với những đảm bảo đó, các nhà đầu tư vẫn chưa biết tương lai sẽ ra sao và kế hoạch tổng thể của Bắc Kinh là gì.
"Dự báo trong thời gian tới, tôi nghĩ tất cả các chủ nợ sẽ kiện Evergrande" - Chen Long, một đối tác tại công ty nghiên cứu Plenum nói với AFP, cho rằng thông báo của Fitch đã chính thức hóa những gì các nhà đầu tư đã biết về các vụ vỡ nợ.
Hơn 10 công ty bất động sản Trung Quốc hiện đã vỡ nợ trong nửa cuối năm nay.
Năm ngoái, Chính phủ Bắc Kinh đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản khi đưa ra nỗ lực hạn chế nợ quá mức giữa các công ty bất động sản cũng như nạn đầu cơ tràn lan của người mua.
Các công ty đã tích lũy khoản nợ khổng lồ và bắt đầu gặp khó khăn trong việc hoàn thành các dự án, thanh toán cho nhà thầu và đáp ứng các khoản trả nợ cả trong và ngoài nước.
"Gã khổng lồ" Evergrande là công ty nổi tiếng nhất bị cuốn vào cuộc khủng hoảng, vật lộn trong nhiều tháng qua để huy động vốn nhằm trả khoản nợ 300 tỷ USD.
Dưới đây là quá trình Evergrande vươn lên trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, cho đến khi là một trong những "con nợ" tồi tệ nhất và cuối cùng là vỡ nợ:

1996: GIẤC MƠ BẮT ĐẦU

Cựu công nhân nhà máy thép Hứa Gia Ấn thành lập Evergrande, nhắm mục tiêu vào hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc có nhu cầu bất động sản trên khắp quốc gia đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng.

2009 - 2010: BẮT ĐẦU MỞ RỘNG

Sau khi ra mắt công chúng vào năm 2009, Evergrande nắm quyền kiểm soát câu lạc bộ Guangzhou Super League của Trung Quốc, đổi tên thành Guangzhou Evergrande và chi hàng tỷ USD cho các cầu thủ nước ngoài, giúp câu lạc bộ liên tiếp giành được các danh hiệu.

Công ty cũng kinh doanh thêm sữa, ngũ cốc và dầu mỏ và sau đó cố gắng tham gia vào lĩnh vực chế tạo ô tô điện - khởi đầu cho một đợt chi tiêu ngập trong nợ nần.

2017: NGƯỜI ĐÀN ÔNG GIÀU CÓ NHẤT CHÂU Á

Hứa Gia Ấn trở thành người giàu nhất châu Á với giá trị tài sản ròng ước tính đạt 43 tỷ USD.

2018: NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG RA CẢNH BÁO

Những dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thêm Evergrande vào danh sách các tập đoàn mắc nợ cao cần theo dõi, cảnh báo rằng nguy cơ sụp đổ của công ty này có thể gây ra rủi ro mang tính hệ thống.

THÁNG 8/2020: 3 ĐƯỜNG ĐỎ

Các cơ quan quản lý trung Quốc công bố "3 đường đỏ" giới hạn các tỷ lệ nợ khác nhau, thắt chặt cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.

Evergrande bán 28% đơn vị quản lý bất động sản của mình với giá 3 tỷ USD và bắt đầu bán bớt bất động sản với mức chiết khấu ngày càng mạnh.

THÁNG 8/2021: BẮT ĐẦU CHUỖI KIỆN TỤNG

Một nhà quảng cáo đã kiện Evergrande vì các khoản phí chưa thanh toán, đánh dấu vụ đầu tiên trong một chuỗi các vụ kiện do các nhà thầu phụ lo lắng. Một số công trường xây dựng phải dừng lại.

Các công ty xếp hạng toàn cầu bao gồm Fitch, Moody's và S&P hạ triển vọng của Evergrande xuống mức tiêu cực, khiến công ty càng khó để vay tiền hơn.

THÁNG 9/2021: EVERGRANDE LÊN TIẾNG

Khi lo ngại về tương lai của mình tăng lên, Evergrande cho biết công ty đang phải chịu "áp lực to lớn" và có thể không đáp ứng được các khoản nợ của mình.

Công ty cảnh báo rằng các phương tiện truyền thông đưa tin tiêu cực và tin đồn đã dẫn đến suy giảm niềm tin và doanh số bán bất động sản giảm trong mùa bán hàng tháng 9 vốn bình thường rất sôi động.

Các cuộc biểu tình công khai nổ ra bên ngoài trụ sở chính của công ty ở Thâm Quyến và các địa điểm khác trên khắp Trung Quốc, với các nhà đầu tư và người mua nhà giận dữ đòi trả nợ.

THÁNG 10/2021: THỎA THUẬN LỚN

Evergrande tạm ngừng giao dịch trên sàn chứng khoán Hồng Kông vào ngày 4/10 để chờ thông báo về "một giao dịch lớn". Công ty cuối cùng đã bỏ lỡ một số khoản thanh toán, với thời gian ân hạn 30 ngày đối với một giấy nợ nước ngoài đến hạn vào cuối tháng 10.

Giữa tháng 10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết rằng rủi ro đối với lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn từ cuộc khủng hoảng của Evergrande là "có thể kiểm soát được", nhằm xoa dịu nỗi lo về sự lây lan của sự cố.

Cổ phiếu của Evergrande tiếp tục giao dịch vào ngày 21/10, giảm hơn 10% khi mở cửa - vài giờ sau khi công ty cho biết thỏa thuận trị giá 2,58 tỷ USD để bán một cổ phần lớn trong chi nhánh dịch vụ bất động sản của họ đã được thông qua.

THÁNG 12/2021: "SỰ SỤP ĐỔ CÓ KIỂM SOÁT"

Chính quyền địa phương ở Quảng Đông - nơi công ty đặt trụ sở chính - đã triệu tập chủ tịch Hứa Gia Ấn, khi họ thông báo rằng đang cử "một nhóm làm việc" đến công ty.

Các nhà phân tích cho rằng thời điểm này báo hiệu chính thức bắt đầu tái cơ cấu nợ của "gã khổng lồ" - một quá trình dự kiến sẽ mất nhiều năm.

Shehzad Qazi, giám đốc điều hành của công ty phân tích dữ liệu China Beige Book, nói với AFP rằng việc tái cơ cấu cuối cùng sẽ dẫn đến "sự sụp đổ có kiểm soát " - nỗ lực của Chính phủ Bắc Kinh để kiềm chế tác động từ thất bại của Evergrande.

Ngày 9/12/2021, Fitch Ratings tuyên bố Evergrande không còn khả năng thanh toán, chính thức vỡ nợ.