Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Expat Insider 2022: Việt Nam - nơi đáng sống nhất cho người nước ngoài

Hương Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả cuộc khảo sát Expat Insider 2022 cho thấy 84% người nước ngoài hài lòng với cuộc sống của họ ở Việt Nam.

Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách nơi đáng sống nhất cho người nước ngoài năm 2022, tăng ba bậc so với vị trí thứ 10 năm ngoái trong cuộc khảo sát thường niên Expat Insider.

Theo khảo sát mới nhất của tổ chức InterNations, Mexico, Indonesia, Đài Loan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, UAE, Việt Nam, Thái Lan, Australia và Singapore là những điểm đến tốt nhất cho người nước ngoài vào năm 2022.

Việt Nam - nơi đáng sống nhất của nhiều người nước ngoài. Ảnh: Melia Beach Resort Hồ Tràm
Việt Nam - nơi đáng sống nhất của nhiều người nước ngoài. Ảnh: Melia Beach Resort Hồ Tràm

Đây là cuộc khảo sát lần thứ 9 mà InterNations, cộng đồng người nước ngoài lớn nhất thế giới với hơn 4 triệu thành viên, đã khảo sát với gần 12.000 người tham gia sống và làm việc ở nước ngoài tại 52 quốc gia.

Cuộc khảo sát đo lường mức độ hài lòng của người nước ngoài tại nước cư trú, bao gồm các chỉ số: Chất lượng cuộc sống, Khả năng định cư dễ dàng, Làm việc ở nước ngoài và Tài chính Cá nhân, và các chỉ số cơ bản như Cuộc sống kỹ thuật số, vấn đề Quản trị, Nhà ở và Ngôn ngữ.

Kết quả khảo sát cho thấy 84% số người nước ngoài cho biết họ hài lòng với cuộc sống của họ ở Việt Nam. Việt Nam là quốc gia tốt nhất thế giới về Chỉ số Tài chính Cá nhân với 80% số người được hỏi hạnh phúc với mức chi phí sinh hoạt tại Việt Nam. “Giá cả phải chăng ở tất cả mọi nơi của Việt Nam” – một người Thuỵ Sỹ được khảo sát cho biết.

Họ không cảm thấy áp lực về tình hình tài chính của mình với 4 trên 5 người được phỏng vấn đều hài lòng. Hơn 90% số người nước ngoài được khảo sát nói rằng thu nhập hộ gia đình khả dụng của họ là đủ hoặc nhiều hơn để có một cuộc sống thoải mái (so với 72% trên toàn cầu).

Việt Nam được đánh giá đứng thứ 9 về Chỉ số định cư dễ dàng trong tổng số 52 quốc gia. Hầu hết người nước ngoài (84%) được hỏi đều cho rằng cư dân địa phương thân thiện (so với 66% trên toàn cầu), đặc biệt 83% số người nước ngoài cảm nhận được chào đón tại quốc gia này và 71% số người cảm giác đây như ở nhà của mình.

“Sự nồng hậu, trung thực và thân thiện của người dân” là những gì một người Mỹ gốc Hoa thích nhất về cuộc sống ở Việt Nam, trong khi một người Malaysia xa xứ ấn tượng “con người và văn hóa thân thiện” của Việt Nam.

Đối với cuộc sống xa xứ, việc tạo được mạng lưới kết nối cá nhân rất quan trọng. Người nước ngoài xếp Việt Nam vào top 10 trong Danh mục phụ Tìm bạn (thứ 7), cho rằng việc kết bạn rất dễ dàng (54% hài lòng so với 42% trên toàn cầu). Hơn 2/3 (69%) hài lòng với cuộc sống xã hội của họ, so với 56% trên toàn cầu.

Một số vấn đề cần được cải thiện

Môi trường là một trong mối quan tâm và lo ngại đối với người nước ngoài ở Việt Nam. Hơn một nửa trong số họ (53%) trả lời rằng họ không hài lòng với môi trường đô thị, tỷ lệ này cao hơn gấp ba lần mức trung bình toàn cầu (17%). Một người Pháp cho biết: “Ô nhiễm tiếng ồn thật khủng khiếp.”

Họ cũng thất vọng với sự sẵn có của hàng hóa và dịch vụ xanh (37% không hài lòng so với 17% trên toàn cầu) và đặc biệt không hài lòng với chất lượng không khí (64% không hài lòng so với 19% trên toàn cầu).

Các đô thị lớn của Việt Nam cần cải thiện về chất lượng không khí. Ảnh: Phạm Hùng
Các đô thị lớn của Việt Nam cần cải thiện về chất lượng không khí. Ảnh: Phạm Hùng

Ngoài ra, người nước ngoài ở Việt Nam không hài lòng về dịch vụ Sức khỏe và Tinh thần của họ. Khoảng 1/5 số người nước ngoài (19%) nói rằng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung không có sẵn (so với 13% trên toàn cầu) và 1/4 (25%) cho biết rằng rất khó tiếp cận tất cả các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ cần (so với 17% trên toàn cầu).

Về Danh mục phụ Du lịch & Phương tiện, người nước ngoài mô tả mức độ sẵn có của phương tiện giao thông công cộng là kém (43% không hài lòng so với 17% trên toàn cầu). Khoảng 1/3 số người được khảo sát không hài lòng với cơ sở hạ tầng dành cho ô tô, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu (13%).

Về Chỉ số Ngôn ngữ, bốn trong năm người nước ngoài (80%) nói rằng việc học ngôn ngữ địa phương là khó khăn, so với chỉ 38% trên toàn cầu. Một người Mỹ gốc Hoa cho biết “không có khả năng học ngôn ngữ” là điều mà anh ấy gặp khó khăn nhất ở Việt Nam. Trên thực tế, 44% hoàn toàn không nói được ngôn ngữ địa phương, gấp hơn bốn lần tỷ lệ người nước ngoài nói về ngôn ngữ của quốc gia sở tại của họ (10%).

Ngôn ngữ không phải là rào cản duy nhất đối với người nước ngoài tại Việt Nam. Trong Danh mục phụ của Chủ đề quản trị, họ gặp khó khăn trong việc thích ứng với bộ máy hành chính của địa phương (66% so với 39% trên toàn cầu), mở tài khoản ngân hàng địa phương (41% so với 21% trên toàn cầu) và xin thị thực (48% so với 24% trên toàn cầu).

Danh mục phụ Cuộc sống số, gần 1/4 người nước ngoài (23%) gặp trở ngại khi phải thanh toán bằng tiền mặt (so với 8% trên toàn cầu).