176 ca F0 trong ngày 14/12
Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng cho biết, ngày 14/12, TP ghi nhận 176 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó gồm 6 ca trong khu cách ly tập trung; 67 ca cách ly tại nhà; 29 ca trong khu phong tỏa và 74 ca chưa cách ly (cộng đồng).
Trong số 74 ca bệnh cộng đồng đáng chú ý có 34 ca đại diện hộ gia đình phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu); 3 ca làm công ty Thuỷ sản Thuận Phước; 3 ca lấy mẫu định kỳ tại Công ty KANE M, Công ty VINAKAD, Công ty PIVINA; 3 ca lấy mẫu tại Công ty 29/3; 1 ca là lực lượng phòng chống dịch Hòa Hiệp Nam; 3 ca tại Công ty Đại Đồng Quảng.
Như vậy có thể thấy, số ca F0 được phát hiện tại các công ty, xí nghiệp ngày càng nhiều và nguy cơ trở thành điểm nóng lây nhiễm là rất cao.
7/7 quận, huyện ghi nhận ca mắc có nguy cơ lây lan cho cộng đồng gồm: Quận Liên Chiểu (71 ca), quận Sơn Trà (29 ca), quận Hải Châu (10 ca), quận Cẩm Lệ (7 ca), quận Thanh Khê (6 ca), huyện Hòa Vang (5 ca), quận Ngũ Hành Sơn (3 ca).
Cộng dồn từ ngày 16/10/2021 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 3.394 ca mắc Covid-19; trong đó có 150 ca ngoại tỉnh. Hiện nay, toàn TP Đà Nẵng có 292 điểm đang phong tỏa cứng; 18 cơ sở cách ly tập trung, đang thực hiện cách ly tập trung 465 người.
Trước đó, liên tiếp trong nhiều ngày, Đà Nẵng ghi nhận hằng trăm ca Covid-19/ngày; cá biệt có ngày 12/12 có đến 442 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.
Thay đổi cách chống dịch
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 chiều 13/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã có những chỉ đạo quan trọng về phương pháp chống dịch trong tình hình hiện nay.
Tại cuộc họp này, lãnh đạo Đà Nẵng nhận định, TP đang ở mức độ nguy cơ cao và mức độ lây nhiễm rất sâu trong cộng đồng. Nếu còn chậm trễ, lúng túng, không tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt thì dễ dẫn đến việc mất khả năng xác định nguồn lây truy vết hiệu quả và mất kiểm soát.
Vì thế, xác định công tác chống dịch trong điều kiện bình thường mới, thích ứng an toàn linh hoạt phòng chống dịch thì những biện pháp cũng cần có sự linh hoạt, phù hợp với tình hình mới và phù hợp với đặc điểm cụ thể của địa phương. Việc tập trung cách ly, phong tỏa cũng tùy theo tình hình mà áp dụng thời gian phù hợp, không quá máy móc 7 ngày hay 14 ngày làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và không hiệu quả.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã yêu cầu các địa phương, đơn vị bám sát vào những mục tiêu phòng chống dịch đã được đặt ra. Đặc biệt các địa phương tập trung bảo vệ những đối tượng có nguy cơ cao (người già, trẻ em, người có bệnh nền) và một số khu vực nguy cơ rất cao như bệnh viện, chợ, khu công nghiệp.
Ngành y tế cần xem xét đánh giá, có quan điểm, chiến lược mới về xét nghiệm, tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao, khu cách ly, phong tỏa, đảm bảo hiệu quả của công tác này. Đồng thời cần chuẩn bị đảm bảo sinh phẩm, trang thiết bị để phục vụ cho công tác xét nghiệm, điều trị người nhiễm bệnh.
Đối với việc điều trị F0 tại nhà, Bí thư Thành ủy yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện với các phương án cụ thể; ngành y tế có hướng dẫn đầy đủ, đảm bảo các điều kiện để theo dõi tình trạng bệnh, cung cấp các phương tiện, thuốc điều trị cho người bệnh.
Theo báo cáo của ngành y tế, hơn 99% trong số 2.600 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Đà Nẵng từ giữa tháng 10/2021 đến nay (14/12) không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng rất nhẹ. Chỉ có 3 trong tổng số 2.600 bệnh nhân bị chuyển nặng phải chuyển Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để điều trị viêm phổi. Hơn 72% bệnh nhân chỉ sau 5 đến 7 ngày điều trị đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Hơn 99,7% số bệnh nhân âm tính sau 14 ngày điều trị. Nhiều bệnh nhân được ra viện sau khi được điều trị 9 ngày. |