Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

FED gặp khó trong nỗ lực cứu kinh tế Mỹ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Bộ Tài chính Mỹ dừng chương trình cho vay khẩn cấp được dự đoán là sẽ làm giảm đáng kể khả năng củng cố hệ thống tài chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang đối mặt thêm thách thức khi vừa bị dừng cấp vốn cho chương trình cứu trợ Covid-19, trong bối cảnh gói cứu trợ mới đang bế tắc. FED cũng không còn nhiều dư địa về chính sách tiền tệ.
 Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái) và Chủ tịch FED Jerome Powell cùng dự một cuộc họp hồi tháng 9/2020.
Hồi giữa tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố ông sẽ không gia hạn chương trình cho vay khẩn cấp của FED sau ngày 31/12. Hiện tại, chương trình này đang sử dụng ngân sách từ Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) với tổng trị giá 2.200 tỷ USD, vốn được ban hành tháng 3 để cứu nền kinh tế Mỹ. Trong một bức thư hôm 19/11 gửi Chủ tịch FED Jerome Powell, Bộ trưởng Mnuchin yêu cầu FED hoàn trả khoảng 455 tỷ USD chưa sử dụng cho các chương trình sẽ hết hạn vào ngày 31/12. Bộ trưởng Mnuchin cho biết Quốc hội sẽ dùng số tiền này vào mục đích khác. Quyết định này sẽ buộc chấm dứt một số chương trình được thiết kế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đang khó khăn vì đại dịch Covid-19, sau khi các chương trình này hết hiệu lực.
Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết ngân hàng T.Ư sẽ hoàn trả các khoản tiền chưa sử dụng được phân bổ cho các chương trình cho vay khẩn cấp. Tuy nhiên, FED đã ra tuyên bố bày tỏ thất vọng, đồng thời nhấn mạnh mong muốn tất cả các chương trình khẩn cấp được thực hiện nhằm ứng phó với đại dịch tiếp tục đóng vai trò quan trọng hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn rất dễ bị tổn thương. Trước đó, Chủ tịch FED đã khẳng định rằng còn quá sớm để rút lại các chương trình cho vay.
Thông báo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ được đưa ra trong bối cảnh nhiều địa phương tại Mỹ đã phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn đợt tái bùng phát dịch Covid-19 mới. Theo phân tích của CNBC từ dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca xác nhận nhiễm mới hàng ngày tính theo trung bình 7 ngày vừa qua đạt 165.029 trường hợp, tăng 24% so với một tuần trước đó.
 FED gặp khó trong nỗ lực cứu kinh tế Mỹ.
Trước sự phản đối của các nghị sĩ đảng Dân chủ, Bộ trưởng Mnuchin đã lên tiếng bảo vệ quyết định  trên khi nói rằng ông vẫn đang tuân theo ý định của Quốc hội trong việc từng bước loại bỏ các chương trình của FED được hoạch định nhằm giúp hệ thống tài chính Mỹ vượt qua khủng hoảng Covid-19. Theo Bộ trưởng Mnuchin, các khoản tiền mà ngân hàng T.Ư chưa sử dụng đến cần được tái phân bổ cho những nỗ lực chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, chiến lược gia Philip Marey của Rabobank nhận định rẳng, quyết định của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra khá mạo hiểm vì đã cắt nguồn trợ giúp quan trọng nhất đối với các công ty Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh. Theo ông Marey, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vào tuần trước đã tăng lên 742.000 người sau 4 tuần giảm liên tiếp. “Ảnh hưởng từ số ca nhiễm Covid-19 mới bùng phát mạnh và tình trạng bế tắc trong đàm phán về gói kích thích tài khóa mới đang tác động tiêu cực đến đà phục hồi kinh tế Mỹ ”- chuyên gia Marey lưu ý.
Động thái mới nhất của Bộ trưởng Mnuchin được dự đoán là sẽ làm giảm đáng kể khả năng củng cố hệ thống tài chính của FED. Chia sẻ với CNBC, ông Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn High Frequency Economics, nói rất khó để thấy quyết định của ông Mnuchin là "hợp lý về mặt kinh tế" khi mà hàng triệu người Mỹ vẫn đang nhận trợ cấp thất nghiệp, các chỉ số khu vực của FED giảm dần và khả năng phong tỏa toàn quốc không còn xa.