FED mất kiên nhẫn, thị trường lo sợ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều đồn đoán, việc các quan chức của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) loại...

Kinhtedothi - Sau nhiều đồn đoán, việc các quan chức của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) loại bỏ từ “kiên nhẫn” trong việc nâng lãi suất cho thấy đã đến lúc định chế tài chính này buộc phải thực hiện bước đi nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ lần đầu tiên kể từ tháng 6/2006.

Tuyên bố chấm dứt thời đại tiền giá rẻ này không chỉ tác động mạnh đến tỷ giá đồng USD, vốn đã tăng hơn 4% kể từ khi các nhà hoạch định chính sách của FED gặp nhau lần cuối vào ngày 28/1 mà còn ảnh hưởng đến thị trường thế giới và tác động mạnh đến chính sách điều hành của các ngân hàng T.Ư trên toàn cầu.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen. 	Ảnh: REUTERS
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen. Ảnh: REUTERS
Tiến thoái lưỡng nan
Trong lúc tăng trưởng trì trệ đã buộc Ngân hàng T.Ư châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì FED lại đi ngược dòng với hướng điều hành của các định chế tài chính này khi phát đi tín hiệu về việc có thể tăng lãi suất vào tháng 6 tới, sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC). Trước đó, các quan chức FED đã ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan với việc giải quyết nhiệm vụ kép là giảm tỷ lệ thất nghiệp và duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức mục tiêu 2%. Không khó để hiểu được những lý do đằng sau việc FED muốn nâng lãi suất, nhưng thật ra định chế tài chính này phải cẩn trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh nhiều nước phá giá đồng nội tệ.

Trên thực tế, thị trường đã quay cuồng theo nhịp tăng nhanh nhất của đồng USD trong 40 năm trở lại đây do triển vọng FED sẽ nâng lãi suất và kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn. Nhưng điều này ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các DN xuất khẩu và có hoạt động ở nước ngoài. Giá nhập khẩu giảm khiến lạm phát không thể đạt mục tiêu 2% là một mối lo ngại khác. Ngược lại quá khứ, đồng USD thường tăng giá trong giai đoạn thế giới xuất hiện căng thẳng cực độ về tài chính hoặc địa chính trị như: Lehman Brothers sụp đổ (2008), Anh rút khỏi Cơ chế Tỷ giá châu Âu (ERM) năm 1992, chiến tranh vùng Vịnh (1990) hay cú sốc về lãi suất thời kỳ đầu những năm 1980. Và đợt tăng giá của đồng USD hiện nay rất giống với sự kiện Lehman sụp đổ dù các điều kiện kinh tế vĩ mô hoàn toàn khác là chỉ dấu cho thấy một cuộc khủng hoảng tiềm tàng.

Trấn an thị trường

Dù tăng trưởng không còn mạnh mẽ như nhiều quan chức FED mong muốn nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 2 giảm xuống còn 5,5% - mức thấp nhất trong gần 7 năm qua, cho thấy nền kinh tế đã đủ mạnh để chịu được chi phí vay cao hơn. Ngoài ra, sự giảm giá của dầu trên thị trường toàn cầu cho các quan chức FED lý do để tin rằng giá tiêu dùng sẽ phục hồi khi các tác động của dầu giá rẻ giảm đi. Vì thế, dù bỏ từ “kiên nhẫn” khỏi thông báo nhưng FED tiếp tục gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư phố Wall khi bằng cách khẳng định họ vẫn thận trọng và kiên nhẫn chờ thời cơ thích hợp xuất hiện mới nâng lãi suất. Đây có thể coi là lời trấn an thị trường của Chủ tịch FED Yellen Janet về việc không vội nâng lãi suất.

Sự khởi sắc của thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu và sự đi lên của các đồng tiền chủ chốt châu Á như đồng Yên, Nhân dân tệ và Won cho thấy phản ứng tích cực của thị trường trước quyết định của FED nhưng cũng là lời cảnh báo về hậu quả của chính sách nâng lãi suất mà định chế này sẽ áp dụng trong thời gian tới. Đó cũng chính là lý do, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế khuyến cáo các thị trường đang nổi cần tăng khả năng đối phó với tác động tiêu cực khi Mỹ có thể tăng lãi suất ngắn hạn.