Tỷ giá, lãi suất ổn định hỗ trợ phát triển kinh tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất tham chiếu vào khoảng 5 - 5,25%. Đây là mức cao nhất trong hơn 15 năm qua. Tuy nhiên, họ không còn khẳng định "thắt chặt thêm nữa có thể là động thái phù hợp" như lần trước. Việc này làm tăng khả năng Fed dừng nâng lãi. Trước đó, Fed đưa ra thông tin là vẫn giữ lộ trình lãi suất dự kiến cho năm 2023 là 5,25%, và giữ nguyên mức này cho đến năm 2024.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, việc Fed tăng lãi suất lần này được tính toán rất thận trọng, đa chiều, đa mục tiêu hơn. Cụ thể, quyết định này giúp Fed đạt được ít nhất 3 mục tiêu: Thứ nhất, tiếp tục kiên định cuộc chiến chống lạm phát. Thứ hai, tính đến bất ổn thị trường ngân hàng tại Mỹ và toàn cầu.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, các biến động trong ngành ngân hàng không quá đáng ngại. Ông nhận định tình hình "cải thiện kể từ tháng 3 và nhiều nhà băng đã quan tâm đến vấn đề thanh khoản". Nhận định về thương vụ JP Morgan mua First Republic, Powell cho rằng "đây là việc tốt với hệ thống ngân hàng".
Đối với Việt Nam, ông Cấn Văn Lực cho rằng việc tăng lãi suất lần này của Fed cũng nằm trong tiên lượng, trong tính toán của cơ quan điều hành và nhà đầu tư, nên sẽ tác động không đáng kể.
Đánh giá về động thái tăng lãi suất 0,25% của Fed, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho biết, Fed tăng lãi suất không phải là điều bất ngờ, mà đã được dự báo từ trước. Mức độ ảnh hưởng của kỳ điều chỉnh lần này tác động tới thị trường Việt Nam không lớn, có chăng, tác động chỉ mang tính ngắn hạn. Phía Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch từ trước và có hành động hạ lãi suất, bơm thanh khoản cho thị trường.
“Dự kiến thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ VNĐ từ Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên do nhu cầu về vốn vay duy trì thấp do lãi suất vẫn cao hơn nhu cầu hiện tại của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hiện tại nguồn USD đổ vào Việt Nam đang dồi dào sẽ giúp hỗ trợ tỷ giá cũng như thanh khoản của hệ thống ngân hàng” - ông Trịnh Viết Hoàng Minh - chuyên gia phân tích của Chứng khoán ACBS nhận định.
Cho nên, dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể được duy trì thấp trong thời gian tới, nhưng do áp lực từ việc tăng lãi suất điều hành của Fed vẫn còn nên vẫn không loại trừ khả năng áp lực tỷ giá quay trở lại.
Trong trường hợp đó các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải giảm thanh khoản thị trường liên ngân hàng để đẩy lãi suất VNĐ không quá chênh lệch so với lãi suất USD. Trong trường hợp đó dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể dao động xung quanh mốc 5 - 6% nếu như áp lực tỷ giá quay trở lại.
Bất chấp lạm phát cao ở Mỹ, cùng với việc Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất, nhiều chuyên gia cho rằng, CPI của Việt Nam năm 2023 sẽ tăng trong khoảng 3,2% - 4,5%, nằm trong mục tiêu 4,5% của Chính phủ. Ngoài ra thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ VND từ Ngân hàng Nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường ngoại hối đang thuận lợi để cơ quan quản lý điều hành tỷ giá, đó là tỷ giá trong nước ổn định, các giao dịch trên thị trường ngoại tệ thông suốt. Thậm chí, có tháng tỷ giá còn giảm. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay "đỡ" áp lực hơn, mang tính độc lập và chủ động hơn”.
Các chuyên gia kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước có thể cố gắng giữ nguyên chính sách điều hành hiện hành với mức lãi suất điều hành hợp lý nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mặc dù nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn do chính sách tài chính, lãi suất của các nước trong đó có Mỹ, nhưng nền kinh tế cũng phát đi tín hiệu tích cực trong kiểm soát lạm phát và Chính phủ đang triển khai đồng bộ, quyết liệt hiệu quả các chính sách. Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, điều hành chính sách tiền tệ có thể tiếp tục linh hoạt, giảm chi phí vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, nhanh chóng khôi phục, nhất là lĩnh vực động lực của nền kinh tế.
Chứng khoán tích cực trong dài hạn
Dù vậy, vẫn có những mặt tác động tới kinh tế Việt Nam. Đó là khi Fed tăng lãi suất, dòng vốn quốc tế có xu hướng chảy về thị trường Mỹ và sẽ tác động đến khả năng thu hút dòng vốn FDI. Kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trên các khía cạnh: Xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FPI), hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp…
Đối với thị trường chứng khoán, theo các công ty chứng khoán, một vài phiên tới sẽ chịu ảnh hưởng bởi quyết định tăng lãi suất của Fed. ''Dự báo, ít nhất trong trung hạn năm nay vẫn là một năm vất vả với thị trường chứng khoán. Tôi kỳ vọng, nửa cuối năm 2023, mức tích cực sẽ nhiều hơn” - ông Phan Dũng Khánh nhận định.
Với việc Ngân hàng Nhà nước tập trung hạ lãi suất cho vay, Chính phủ đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, hạ lãi suất, giải phóng tín dụng nhiều hơn với lĩnh vực bất động sản, giảm thuế giá trị gia tăng… cùng hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cho cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư dài hạn.
Nghị quyết 33/NQCP ban hành ngày 11/3 là một thông tin tích cực giúp giải tỏa áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, cũng như giúp các doanh nghiệp bất động sản có hướng tái cấu trúc và xử lý những khoản nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Một điểm sáng hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng năm 2023, là dòng vốn nước ngoài từ các quỹ ETFs (với hơn 4.000 tỷ giải ngân từ đầu năm tới giờ từ Fubon FTSE Việt Nam, quỹ VanEck Vectors, quỹ FTSE Vietnam) vẫn tiếp tục được giải ngân dần dần trong năm 2023. Thị trường chứng khoán sẽ phân hoá mạnh. Trong đó, nhóm nhà thầu, vật liệu giao dịch tích cực hơn dưới hiệu ứng thúc đẩy đầu tư công ở nhiều địa phương.