Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Fitch nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 3/11, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã có thông cáo báo chí về việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Cụ thể, mức xếp hạng phát hành trái phiếu Chính phủ (IDR) bằng đồng nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam được nâng lên một bậc từ mức “B+” thành “BB”.

Đồng thời, mức xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành của Việt Nam đối với các trái phiếu không bảo đảm bằng đồng nội tệ và ngoại tệ cũng được nâng từ mức “B+” lên mức “BB-”. Triển vọng dài hạn ở mức Ổn định. Mức trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng từ mức “B+” lên mức “BB-” và chỉ số IDR bằng ngoại tệ ngắn hạn duy trì ở mức “B”.

Fitch đưa ra các lý do giải thích cho việc nâng bậc tín nhiệm của Việt Nam bao gồm:

Tình hình kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Tăng trưởng GDP tiếp tục duy trì ở mức khả quan trung bình khoảng 5,6% trong 3 năm so với mức trung bình 3,7% của hạng ‘BB’. Lạm phát tính đến tháng 10/2014 là 3,2%, giảm so với mức trung bình 6,6% năm 2013. Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư của Việt Nam cũng cao hơn so với các quốc gia khác.

Cán cân thanh toán được cải thiện:  Ổn định kinh tế vĩ mô đã tạo nên bước ngoặt đối với tình trạng cán cân thanh toán, từ mức thâm hụt 3,7% năm 2010 lên mức thặng dư được dự báo đạt khoảng 4,1% năm 2014. Mức thặng dư cán cân thanh toán vãng lai cho năm thứ 4 liền kề được hỗ trợ bởi tăng trưởng xuất khẩu và kiều hối lớn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) duy trì ổn định với mức trung bình 4,5% so với GDP giai đoạn 2011-2013 đã đóng góp vào thặng dư cán cân thanh toán và tăng lượng tích lũy dự trữ ngoại hối. Nợ nước ngoài ròng (net external debt) chiếm 14% GDP thấp hơn một chút so với mức trung bình khoảng 16% của các quốc gia xếp loại ‘BB’ khác.