70 năm giải phóng Thủ đô

G20 kiên quyết chặn đứng chiến tranh tiền tệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng T.Ư các nền kinh tế phát triển và ...

Kinhtedothi - Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng T.Ư các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 5/9 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố chung cam kết hành động quyết đoán để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kiềm chế các động thái tiền tệ bất ổn sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ vào tháng trước.

Mối quan tâm mới

Thay vì điểm nóng là Hy Lạp trên bàn nghị sự trước kia, hội nghị lần này sôi nổi với chủ đề “bong bóng chứng khoán” của Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng T.Ư của G20 cam kết không để chiến tranh tiền tệ xảy ra.
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng T.Ư của G20 cam kết không để chiến tranh tiền tệ xảy ra.
Tại hội nghị, Thống đốc NH T.Ư Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên không dưới 3 lần thừa nhận bong bóng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc đã vỡ. TTCK Trung Quốc giảm gần 40% giá trị so với mức đỉnh hồi tháng 6, bốc hơi hơn 5.000 tỷ USD, đã buộc chính quyền nước này phải ban hành nhiều biện pháp can thiệp chưa từng có tiền lệ. Và với những diễn biến từ thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc là một mối nguy đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia mới nổi.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp ngày 5/9, các thống đốc NH T.Ư và Bộ trưởng tài chính các nước G20 cam kết kiềm chế các động thái phá giá tiền tệ để tăng cạnh tranh xuất khẩu. Họ đi đến nhất trí rằng, quá tập trung vào chính sách tiền tệ sẽ không mang đến tăng trưởng cân bằng, thay vào đó cần đẩy nhanh cải cách cơ cấu.

Tuyên bố tuy không đề cập đến Trung Quốc nhưng cho thấy quyết tâm kiềm chế làn sóng chiến tranh tiền tệ sau khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bất ngờ phá giá đồng nội tệ với biên độ kỷ lục ngày 11/8. Đây được coi là cam kết mạnh mẽ nhất về vấn đề tiền tệ của G20 kể từ năm 2013. Lần gần đây nhất G20 đưa ra tuyên bố mạnh mẽ tương tự là khi Nhật Bản trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu do chiến dịch bơm tiền kỷ lục khiến đồng Yen giảm xuống mức thấp nhất 5 năm so với USD.

Cần đổi phương cách điều hành

G20 đã thúc giục chính quyền và NH T.Ư các nước không nên lạm dụng việc hạ lãi suất như công cụ thần kỳ thúc đẩy hoạt động kinh tế, thay vào đó cần biến đổi các chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng và tạo thêm việc làm.

Với tình hình kinh tế thế giới biến động mạnh mẽ thời gian qua, các NH T.Ư đã đua nhau giảm lãi suất xuống mức báo động, cũng như đưa ra các gói nới lỏng định lượng trên quy mô rộng. Tuy nhiên với chi phí đi vay thấp kỷ lục, tốc độ phục hồi tại nhiều quốc gia vẫn tiếp tục chững lại, khiến các NH T.Ư không còn cách nào ngoài tiếp tục bơm tiền vào thị trường. Hiện tại, NH T.Ư châu Âu (ECB) cùng Nhật Bản (BoJ) vẫn tiếp tục động thái này, trong khi FED đang ở xu hướng ngược lại, cùng viễn cảnh thắt chặt lãi suất lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.