Các giám đốc tài chính của Khối G7 hôm 12/5 đã tranh luận về các bước để kìm Trung Quốc, khi lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tham gia "ép buộc kinh tế”.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh các bên nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, đặc biệt là để các nước đang phát triển đa dạng hóa nguồn cung và loại bỏ sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với các sản phẩm quan trọng, bao gồm pin, tấm pin mặt trời và tua-bin gió.
Theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hôm 11/5, lượng sản xuất các thành phần năng lượng sạch của Trung Quốc đã vượt qua G7.
Với vị trí chủ tịch luân phiên, Nhật Bản đang dẫn đầu một kế hoạch hợp tác cùng có lợi mới với Ngân hàng Thế giới, để giúp đỡ các quốc gia thành viên khối.
Kế hoạch nhằm hỗ trợ các quốc gia về mặt kỹ thuật và tài chính để thực hiện các hoạt động sản xuất sinh lợi hơn.
Cuộc họp kéo dài ba ngày của các bộ trưởng tài chính G7 và các thống đốc ngân hàng trung ương tại thành phố Niigata ven biển miền trung Nhật Bản có thể đưa ra tuyên bố chung. Đây được coi là "màn dạo đầu" cho Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima từ ngày 19-21/5.
Tại cuộc họp vào tháng 4, các ngoại trưởng G7 đã kêu gọi Trung Quốc “hành động như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” và “tránh đe dọa, ép buộc, hoặc sử dụng vũ lực”.
Trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Thủ tướng Anh Jeremy Hunt nói rằng G7 phải dẫn đầu các nỗ lực chống lại “sự ép buộc kinh tế” của Bắc Kinh đối với các quốc gia mà họ không hài lòng, Đức đã thận trọng trong việc tạo ra một mặt trận G7 kìm hãm Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, hôm 11/5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Nói một cách thẳng thắn, các quy tắc quốc tế mà G7 thảo luận là các giá trị và hệ tư tưởng phương Tây, và do một nhóm nhỏ áp đặt”.
Ông nói thêm: “G7 yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế, nhưng họ lại đại diện cho sự vi phạm và phá vỡ các quy tắc quốc tế”.
G7 bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ.
Vào chiều 12/5, các giám đốc tài chính G7 và thống đốc ngân hàng trung ương đã tổ chức một phiên tiếp cận hiếm hoi với sáu quốc gia được mời – Brazil, Comoros, Ấn Độ, Indonesia, Singapore và Hàn Quốc. Đại diện Singapore là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong.
Các nhà lãnh đạo tài chính G7 vào tối 12/5 đã thảo luận về chiến sự tại Ukraine, tìm cách củng cố chế độ trừng phạt của khối đối với Moscow để thúc đẩy Điện Kremlin chấm dứt chiến sự. Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko đã tham gia trực tuyến trong phiên họp tối 11/5.
Theo Bloomberg, việc Moscow lách luật để né các lệnh trừng phạt, kể cả thông qua kẽ hở của bên thứ ba, đã khiến G7 phải đau đầu.
Tờ Nikkei hôm 12/5 đưa tin rằng các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã lấp đầy khoảng trống bằng cách mở rộng thương mại với Nga, quốc gia có nền kinh tế chỉ giảm 2,1% vào năm 2022.