Bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Washington (Mỹ) giữa tuần trước, bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhóm họp để thảo luận những biện pháp khai thác khối tài sản 300 tỷ USD đang bị đóng băng của Nga.
Tại cuộc họp trên, các bộ trưởng tài chính G7 không đạt được thỏa thuận về cách sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine.
Tuyên bố của các bộ trưởng tài chính G7 nêu rõ: “Các bộ trưởng tài chính G7 sẽ tiếp tục thảo luận các phương án để tham vấn lãnh đạo G7 đưa ra quyết định về khối tài sản này tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 tới. Các phương án bao gồm việc xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho việc tịch thu hoàn toàn khối tài sản của Nga để hỗ trợ Ukraine trong thời gian tới".
Financial Times tiết lộ, Washington ủng hộ ý tưởng tịch thu toàn bộ tài sản bị đóng băng của Nga trị giá 260 tỷ euro và chuyển số tiền này sang Ukraine. Tuy nhiên, các quan chức châu Âu lo ngại rằng điều này có thể vi phạm luật pháp quốc tế và gây bất ổn cho thị trường tài chính khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại EU hôm 17/4, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nói rằng việc tịch thu khoảng 260 tỷ USD tài sản của Nga hiện đang bị đóng băng ở châu Âu sẽ làm suy yếu luật pháp quốc tế, gây ra những hậu quả không thể lường trước được.
Tuyên bố của người đứng đầu ECB là minh chứng mới nhất cho thấy sự bất đồng sâu sắc của phương Tây về việc liệu có nên sử dụng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị phong tỏa để hỗ trợ Ukraine hay không, cũng như cách sử dụng số tiền này.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, EU cùng các quốc gia G7 đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga. Trong số đó, khoảng 211 tỷ USD đang được cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ nắm giữ. Từ năm 2023, những khoản tiền trên đã tích lũy được gần 4,7 tỷ USD tiền lãi.
Nhiều ý kiến của các quốc gia phương Tây ủng hộ việc tài sản bị phong tỏa nên được sử dụng hỗ trợ Ukraine, tuy nhiên vẫn đang mâu thuẫn về việc liệu tịch thu hoàn toàn có hợp pháp hay không. Mỹ và Vương quốc Anh ủng hộ việc tịch thu trực tiếp các quỹ.
Hồi tháng 3 vừa qua, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, cũng đã đề xuất sử dụng lợi nhuận thu được từ dự trữ ngân hàng trung ương bị đóng băng của Nga để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên EU, đặc biệt là Pháp và Đức, cảnh báo rằng động thái này sẽ làm xói mòn niềm tin vào hệ thống tài chính châu Âu.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây tiếp tục cảnh báo về việc phương Tây tịch thu tài sản Nga. Ngày 19/4, Giám đốc khu vực châu Âu của IMF, ông Alfred Kammer nhấn mạnh, bất kỳ bước đi nào nhằm tịch thu tài sản dự trữ đóng băng của Nga đều cần được hỗ trợ về mặt pháp lý để tránh nguy cơ làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu.
Đài RT dẫn phát biểu của ông Kammer tại cuộc họp báo 19/4 cho biết: “Quan điểm của chúng tôi liên quan đến việc tịch thu tài sản của Nga là việc đó cần được các cơ quan tài phán và tòa án liên quan xác định và quyết định”.
Theo ông, điều quan trọng nhất đối với IMF là “một khi bất kỳ hành động nào được thực hiện, tác động của nó lên hệ thống tiền tệ quốc tế đều phải được cân nhắc”.
Ông nhấn mạnh rằng đây là vấn đề của một hệ thống dựa trên các quy tắc đa phương và một hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế đang hoạt động tốt mà tất cả chúng ta nên tôn trọng, bởi nó đã mang sự thịnh vượng trong nhiều thập kỷ qua.
Các tuyên bố của ông Kammer đưa ra tương tự với những gì giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva từng nhấn mạnh liên quan tới việc các quốc gia cần “cảnh giác với những hậu quả không lường trước được” của những hành động tịch thu này.
Bản thân IMF trước đây đã từng đưa ra cảnh báo rằng kế hoạch của phương Tây nhằm tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga có thể gây ra mối đe dọa cho hệ thống tiền tệ toàn cầu và gây ra những rủi ro không lường trước được.
Về phần mình, Nga nhiều lần khẳng định động thái của các quốc gia phương Tây sẽ dẫn đến hậu quả tai hại. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina tuyên bố, nếu phương Tây sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga, Moscow sẽ có biện pháp thích hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia.