G7 cảnh báo"hậu quả nghiêm trọng" nếu Nga can thiệp quân sự vào Ukraine

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” nếu Nga tấn công Ukraine.

Kết thúc cuộc họp tại TP Liverpool (Anh) hôm 12/12, các ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung, cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" nếu Nga có những động thái "gây hấn quân sự" với Ukraine, đồng thời kêu gọi Moscow giảm leo thang.
 Toàn cảnh Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại TP Liverpool (Anh) hôm 11/12. Ảnh: AP 
"Nga nên hiểu rõ rằng các động thái gây hấn quân sự gia tăng nhằm vào Ukraine sẽ dẫn đến những hậu quả lớn và cái giá rất đắt. Chúng tôi tái khẳng định cam kết kiên định đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, cũng như quyền được tự xác định tương lai của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào", tuyên bố từ các ngoại trưởng G7 cho biết.
Cũng theo tuyên bố chung, các ngoại trưởng G7 hối thúc Nga giảm leo thang căng thẳng. “Chúng tôi kêu gọi Nga giảm leo thang và thực hiện các biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine" - tuyên bố của ngoại trưởng G7 nêu rõ.
Các ngoại trưởng G7 khẳng định sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Pháp và Đức tái khởi động đàm phán theo định dạng Bộ tứ Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine) liên quan đến việc thực hiện đầy đủ các Thỏa thuận Minsk để giải quyết xung đột ở miền đông Ukraine.
Căng thẳng Nga và các nước phương Tây về vấn đề Ukraine đang leo thang. Ukraine cùng Mỹ và các đồng minh nhiều tuần qua cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân dọc biên giới và lên kế hoạch tấn công Ukraine.
Cơ quan tình báo Mỹ nói rằng Nga có thể đang lên kế hoạch tấn công Ukraine vào đầu năm 2022 với sự tham gia của 175.000 quân.
Về phần mình, Điện Kremlin phủ nhận kế hoạch xâm lược và nói rằng phương Tây bị mắc chứng sợ hãi Nga. Moscow nói rằng sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đe dọa Nga và trái ngược với những đảm bảo được đưa ra khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Một tuyên bố do Đại sứ quán Nga tại Anh đưa ra vào tối 11/12, trước khi văn kiện chung của G7 được công bố, phàn nàn rằng Anh thường xuyên sử dụng cụm từ "hành vi gây hấn của Nga" trong các phiên họp tại Liverpool. Điều này sẽ gây hiểu lầm và tạo ra cái cớ để G7 phản đối Nga. "Nga đã có nhiều lời đề nghị với NATO về cách giảm thiểu căng thẳng. Diễn đàn G7 có thể là cơ hội để thảo luận về chúng, song hiện chúng tôi chưa nghe thấy gì ngoài những khẩu hiệu gây hấn", Đại sứ quán Nga tại London nhấn mạnh.
Ngày 12/12, Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng quân đội Nga không gây ra mối đe dọa nào, và Moscow đang bị trừng phạt vì hoạt động quân sự tại chính lãnh thổ của Nga.
Theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin cho biết Nga nghiêm túc trong việc được đảm bảo một cách đáng tin cậy rằng NATO sẽ không mở rộng thêm về phía Đông như khối này từng cam kết. Ông Putin cáo buộc NATO có các nỗ lực nguy hiểm nhằm kiểm soát Ukraine, đồng thời nhấn mạnh với Tổng thống Biden rằng việc quy trách nhiệm cho Nga về căng thẳng hiện tại giữa hai nước là không đúng. Tổng thống Nga cũng lên án thái độ phá hoại của Ukraine đối với việc giải quyết hòa bình tình hình ở đông Ukraine.
Quan hệ Nga-Ukraine xấu đi từ năm 2014 khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở vùng Donbass. Quân đội Ukraine giao tranh với lực lượng ly khai ở hai tỉnh miền đông Donetsk và Lugansk từ năm 2014, khiến hơn 13.000 người ở cả hai phía thiệt mạng./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần