Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

G7 gác lại áp trần giá dầu của Nga?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chưa có kế hoạch xem xét điều chỉnh áp trần giá đối với dầu của Nga giữa bối cảnh giá dầu thế giới tăng kỷ lục.

Giá dầu Brent trong tuần này tăng lên hơn 90 USD/thùng, mức cao nhất từ đầu năm. Ảnh: AP
Giá dầu Brent trong tuần này tăng lên hơn 90 USD/thùng, mức cao nhất từ đầu năm. Ảnh: AP

Theo các nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters, G7 và các đồng minh đã gác lại việc đánh giá thường xuyên về biện pháp trần giá với dầu Nga, mặc dù hầu hết dầu thô của nước này đang giao dịch trên mức giới hạn, do giá dầu toàn cầu tăng cao.

G7 cùng Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã áp đặt cơ chế trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vào tháng 12 năm ngoái. Sau đó sang tháng 2 năm nay, G7 cùng các nước đồng minh tiếp tục áp trần giá 45 USD/thùng đối với nhiên liệu nặng và 100 USD/thùng với nhiên liệu nhẹ như xăng và dầu diesel của Nga.

Ban đầu, các nước EU đồng ý xem xét lại mức trần giá 2 tháng một lần và điều chỉnh nếu cần thiết, trong khi phía G7 sẽ xem xét “khi phù hợp” bao gồm cả việc thực hiện và tuân thủ kế hoạch.

Tuy nhiên, G7 đã không xem xét mức trần giá đó kể từ tháng 3/2023. Bốn nguồn tin quen thuộc với các chính sách của G7 cho biết, nhóm này hiện chưa có kế hoạch xem xét điều chỉnh kế hoạch này ngay lập tức.

Một nguồn tin ngoại giao cũng cho hay các bên đã có một số trao đổi hồi tháng 6 hoặc tháng 7 để xem xét lại hoặc ít nhất bàn về vấn đề này. Nhưng quá trình đó chưa chính thức diễn ra.

Theo các nguồn tin trên, trong khi một số nước EU muốn xem xét lại, họ nói rằng Mỹ và các thành viên G7 không muốn thực hiện các thay đổi.

Bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sắp diễn ra vào cuối tháng này có thể đóng vai trò là nơi cho các cuộc đàm phán không chính thức về mức trần giá đối với dầu Nga.

Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ trong tuần này nói rằng mức trần vẫn có hiệu lực vì nó đã giúp cắt giảm doanh thu của Nga. Theo quan chức này, nhóm G7 sẽ tiếp tục linh hoạt nhưng cũng tiết lộ rằng hiện tại không có kế hoạch sửa đổi ngay lập tức.

Giá dầu Brent kỳ hạn đang giao dịch ở mức trên 90 USD/thùng, cao nhất từ đầu năm, làm tăng giá dầu thế giới, bao gồm cả dầu Urals của Nga.

Dầu của Nga tiếp tục vượt giá trần của phương Tây

Trong tháng 8, dầu Urals của Nga có giá trung bình 74 USD/thùng, cao hơn mức trần 60 USD do EU và các nước G7 áp đặt nhằm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Moscow.

Trong tháng 8, dầu thô Urals của Nga có giá trung bình 74 USD/thùng. Ảnh: Gazprom-Neft
Trong tháng 8, dầu thô Urals của Nga có giá trung bình 74 USD/thùng. Ảnh: Gazprom-Neft

Theo dữ liệu do Bộ Tài chính Nga công bố hôm 1/9, giá này cao hơn mức trung bình tháng 7 là 64,37 USD/thùng và giảm nhẹ so với mức giá đạt được vào tháng 8/2022. Để so sánh, giá trung bình của dầu Brent là 86,2 USD/thùng trong tháng 8.

Theo dữ liệu, tháng 8 là tháng thứ hai liên tiếp giá dầu Urals trung bình của Nga vượt mức giá 60 USD kể từ khi cơ chế này được thực hiện.

Biện pháp trần giá với dầu Nga do phương Tây áp đặt vào tháng 12/2022 đã cấm các công ty vận tải, bảo hiểm và tái bảo hiểm phương Tây vận chuyển dầu của Nga trừ khi chúng được bán ở mức bằng hoặc thấp hơn giá trần. Một hạn chế tương tự đã được đưa ra vào tháng 2/2024 đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Các công ty năng lượng Nga đã tìm ra cách bán dầu thô bằng việc sử dụng nhiều tàu và dịch vụ bảo hiểm không thuộc phương Tây, khiến việc thực thi mức trần giá hiện tại gặp khó khăn khi các công ty cung cấp dịch vụ này nằm ngoài thẩm quyền của họ.

Ấn Độ và Trung Quốc trở thành những người mua dầu thô chính của Nga sau khi Moscow chuyển hướng xuất khẩu nhiên liệu khỏi phương Tây để đáp trả các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, Bloomberg đưa tin, tàu chở dầu được phương Tây bảo hiểm vẫn tiếp tục vận chuyển dầu của Nga bất chấp thực tế là  giá dầu Urals đã tăng vọt lên trên giới hạn 60 USD/thùng.

Theo hãng tin này, khoảng 40% tàu chở dầu thô từ các cảng Baltic và Biển Đen của Nga được sở hữu hoặc bảo hiểm bởi các công ty có trụ sở tại các quốc gia đã đồng ý hỗ trợ trần giá.