Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

G7 quyết “ép giá” với dầu mỏ và khí đốt của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Xem xét việc áp giá trần đối với hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga là một trong những điểm nhấn mà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thể giới (G7) đưa vào tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở miền Nam nước Đức ngày 28/6.

Các nước G7 tính áp đặt giá trần dầu khí để làm giảm doanh thu của Nga. Ảnh: Reuters.
Các nước G7 tính áp đặt giá trần dầu khí để làm giảm doanh thu của Nga. Ảnh: Reuters.

Tuyên bố chung của G7 nêu rõ: "Chúng tôi thống nhất sẽ xem xét biện pháp mới về việc siết chặt nguồn tài chính từ nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga nhằm hạn chế khả năng Moscow tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị G7 cho biết, mục tiêu kép của các lãnh đạo G7 là vừa nhắm trực tiếp vào nguồn thu của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin, đặc biệt là thông qua năng lượng, đồng thời tăng cường sự ổn định cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Các quốc gia G7 muốn gây sức ép đối với ngành năng lượng Nga, nhưng không khiến lạm phát tại các nước tăng vọt.

Liên minh châu Âu (EU) cùng với các đối tác quốc tế sẽ thăm dò các biện pháp để giới hạn giá năng lượng, trong đó có nghiên cứu tính khả thi của phương án áp mức giá trần nhập khẩu tạm thời đối với cả dầu và khí đốt từ Nga.

Các quốc gia thành viên G7 đã tiến hành tranh luận về việc áp giá trần toàn cầu đối với năng lượng từ Nga nhằm ngăn Moscow hưởng lợi từ chiến dịch ở Ukraine, khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt.

Trước đó, Mỹ, Canada và Anh đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga trong khi các nhà lãnh đạo EU cũng đã đạt được sự thống nhất về lệnh cấm một phần đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga.

Tuy nhiên, việc giá năng lượng tăng cao đã khiến các quốc gia phương Tây quan ngại rằng những lệnh cấm vận như vậy có thể không thực sự gây thiệt hại cho Nga.

Bất chấp các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có từ phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Moscow vẫn có nguồn thu lớn từ hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt ngay cả khi lượng xuất khẩu bị giảm.

Theo số liệu của Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA), doanh thu đến từ dầu khí của Nga gia tăng trong tháng 5, dù sản lượng xuất khẩu sụt giảm.

Hãng tin Bloomberg cho biết, các quan chức phương Tây cho rằng việc áp đặt giới hạn giá đối với dầu xuất khẩu từ Nga có thể là giải pháp cho tình thế khó xử trên. Theo Reuters, việc áp giá trần là một trong số các phương pháp có thể gia tăng sức ép kinh tế đối với Nga mà không khiến giá dầu toàn cầu tiếp tục tăng vọt.

Các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí thúc đẩy lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga như một phần trong nỗ lực thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, một quan chức EU hôm 28/6 cho biết.

Về vấn đề năng lượng, lãnh đạo nhóm G7 nhất trí phối hợp với Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) để tìm giải pháp hạ giá nhiên liệu.

"Chúng tôi hối thúc các nước  thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu  mỏ (OPEC) tăng mạnh sản lượng để giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường toàn cầu” - tuyên bố chung của G7 nêu rõ.

G7 lưu ý thêm rằng việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất khí LNG là cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Những điểm nhấn trong Tuyên bố chung

* Câu lạc bộ khí hậu

Theo tuyên bố chung được công bố hôm 28/6 khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Đức, các nhà lãnh đạo của G7 đã nhất trí về việc thành lập một “câu lạc bộ khí hậu” nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Các nước G7 cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm sớm đạt mục tiêu huy động nguồn tài chính trị giá khoảng 100 tỷ USD dành cho các chương trình khí hậu đến năm 2025.

* Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Lãnh đạo các nước G7 cũng bày tỏ lo ngại về tình hình ở Biển Đông. "Chúng tôi vẫn quan ngại về tình hình ở Biển Đông. Chúng tôi nhấn mạnh rằng không có cơ sở pháp lý cho các yêu sách hàng hải bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông," tuyên bố chung của nhóm G7 nhấn mạnh.

* Kêu gọi Trung Quốc gây sức ép dừng chiến dịch quân sự của Nga 

Đồng thời, các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi Trung Quốc gây sức ép với Nga để Moscow dừng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tuyên bố chung của G7 đưa ra ngày 28/6 tại Đức cho hay.

* Iran không phát triển vũ khí hạt nhân

Liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran, lãnh đạo G7 một lần nữa nhắc lại  quan điểm của nhóm là Iran không bao giờ được phát triển vũ khí hạt nhân. "Giải pháp ngoại giao vẫn là cách tốt nhất để hạn chế chương trình hạt nhân của Iran," tuyên bố của G7 cho biết.

* Tiếp cận công bằng đối với vaccine Covid-19

Về vấn đề dịch Covid-19, lãnh đạo các nước G7 tái khẳng định cam kết cho phép tiếp cận công bằng đối với vaccine, thuốc điều trị, phương pháp chẩn đoán và các mặt hàng y tế thiết yếu khác trên phạm vi toàn cầu.

* An ninh lương thực toàn cầu

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh ở Đức, các nước G7 cam kết cung cấp 4,5 tỷ USD cho an ninh lương thực toàn cầu, trong đó trên 50% là từ Mỹ.