Theo bản dự thảo văn kiện hội nghị thượng đỉnh G7 từ ngày 11 - 13/6 tới ở Cornwall (Anh) mà Bloomberg có được, các nhà lãnh đạo G7, gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ, sẽ kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mở cuộc điều tra mới, minh bạch về nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Xe của nhóm điều tra do WHO dẫn đầu tới Viện Virus học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hồi tháng 3. Ảnh: DW |
“Lãnh đạo các nước G7 sẽ hối thúc WHO tiến hành cuộc điều tra thứ hai minh bạch, không bị can thiệp và dựa trên các bằng chứng về nguồn gốc của dịch Covid-19” - nguồn tin từ Bloomberg cho biết.
Tài liệu không chính thức cũng nêu ra một số nỗ lực mà các lãnh đạo nhóm G7 đang thực hiện trong kế hoạch chấm dứt đại dịch vào cuối năm sau.
Dự thảo văn kiện G7 cũng bao gồm việc các lãnh đạo cam kết cung cấp thêm 1 tỷ liều vaccine Covid-19 trong những năm tới.
Trước khi đến dự hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/6 cho biết Mỹ sẽ cam kết mua 500 triệu liều vaccine để hỗ trợ các nước đang phát triển.
Theo dự thảo, lãnh đạo các nước G7 sẽ thảo luận giải pháp nhằm phục hồi hậu dịch Covid-19, bao gồm "một hệ thống y tế toàn cầu mạnh mẽ hơn có thể bảo vệ tất cả chúng ta khỏi các đại dịch trong tương lai". Chương trình nghị sự của thượng đỉnh G7 tại Anh cũng bao gồm vấn đề biến đổi khí hậu và thương mại.
Tài liệu sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh bắt đầu từ 11/6. Dự kiến, tuyên bố chung sẽ được công bố vào ngày Chủ nhật sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh.
Trước đó, báo cáo công bố hồi tháng 3 sau cuộc điều tra thực địa của các chuyên gia WHO đã kết luận rằng “rất khó xảy ra” khả năng dịch Covid-19 bắt đầu từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm. Theo các nhà điều tra của WHO, nhiều khả năng virus SARS-CoV-2 đã được lây truyền từ dơi sang người thông qua một loài động vật trung gian.
Tuy nhiên, giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm đang được xem xét trở lại, một phần do bài báo trên Wall Street Journal dẫn thông tin chưa được công bố của tình báo Mỹ rằng 3 nhân viên tại một phòng thí nghiệm ở TP Vũ Hán của Trung Quốc bị ốm đến mức phải vào viện vào tháng 11/2019 với các triệu chứng giống như bệnh Covid-19, ngay trước khi đại dịch bùng phát.
Các quan chức tình báo Mỹ sau đó cho biết, họ không biết virus SARS-CoV-2 lây truyền ban đầu bằng cách nào, song xác nhận 2 giả thuyết, đó là dịch Covid-19 xuất hiện tự nhiên do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, hoặc đó là một sự cố từ phòng thí nghiệm.
Tình báo Mỹ và Anh mở cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19, gồm cả giả thuyết virus SARS-CoV-2 bị lọt ra từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán. Nguồn tin Chính phủ Anh tiết lộ tình báo nước này đang hợp tác với cuộc điều tra mới của Mỹ nhằm xác định sự thật về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Tổng thống Joe Biden hôm 26/5 đã yêu cầu các quan chức tình báo Mỹ nỗ lực "gấp đôi" để điều tra và báo cáo trong vòng 90 ngày về việc dịch Covid-19 có nguồn gốc từ động vật hay do một sự cố từ phòng thí nghiệm.
Phán ứng với quyết định trên của chính quyền Tổng thống Biden, Trung Quốc nói rằng Washington đã chính trị hóa đại dịch Covid-19 khi yêu cầu giới chức tình báo Mỹ điều tra về nguồn gốc của dịch Covid-19.
Bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đăng ngày 31/5 cho biết, Bắc Kinh đã chỉ trích Chính phủ Mỹ “quá kiêu ngạo" vì đã không tôn trọng một báo cáo do nhóm chuyên gia của WHO đưa ra sau chuyến làm việc tại TP Vũ Hán, Trung Quốc hồi đầu năm nay.
Trong bài viết trên tờ Hoàn cầu, Trung Quốc lưu ý thêm rằng chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt đứt quan hệ với WHO vì mục đích chính trị.