G7 thống nhất quan điểm về nhiều vấn đề nóng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 ngày nhóm họp tại lâu đài Elmau thuộc vùng Bavaria, miền Nam nước Đức, các nhà lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển (G7) gồm Đức, Anh, Canada, Pháp, Italia, Nhật Bản và Mỹ đã bàn thảo và thống nhất quan điểm về một loạt vấn đề nóng, có tác động sâu sắc đến cục diện thế giới.

Lãnh đạo Canada, Mỹ và Đức, thảo luận bên lề hội nghị.
Lãnh đạo Canada, Mỹ và Đức, thảo luận bên lề hội nghị.
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ các điểm nóng và các mối quan hệ đan xen phức tạp, chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này vô cùng đa dạng, trải dài trên nhiều lĩnh vực. Chỉ trong vòng 2 ngày, giới chức G7 và đại diện của một số quốc gia châu Phi, Trung Đông đã bàn thảo từ biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; từ chống chủ nghĩa khủng bố, hướng tháo gỡ cho khủng hoảng Ukraine đến mối quan hệ với Nga; từ vấn đề nợ công của Hy Lạp đến tình hình tại Biển Đông… Trước đó, hồi trung tuần tháng 4, Ngoại trưởng các nước G7 nhóm họp tại TP Luebeck, Đức đã ra Tuyên bố chung bày tỏ sự quan ngại về những hành động đơn phương của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, đồng thời phản đối bất cứ nỗ lực khẳng định chủ quyền lãnh thổ hoặc hàng hải thông qua các hình thức đe dọa, ép buộc hoặc vũ lực.

Ngoài những phiên thảo luận chung, giới chức G7 cũng tranh thủ cơ hội để củng cố mối quan hệ với các đồng minh thân cận bằng các cuộc tiếp xúc song phương. Cuộc gặp giữa Thủ tướng chủ nhà Angela Merkel với Tổng thống Mỹ Barack Obama phần nào giúp 2 đồng minh chiến lược thu hẹp khoảng cách sau những bê bối liên quan đến các chương trình đầy tranh cãi của cơ quan an ninh quốc gia.

Trước áp lực từ cộng động quốc tế, các nhà lãnh đạo G7 đã thể hiện quyết tâm cắt giảm phí phát thải trong từng quốc gia, nhằm tạo đà cho Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Paris (Pháp) vào đầu tháng 12 tới. Trong lúc Thủ tướng chủ nhà Merkel thúc giục các quốc gia G7 nhất trí với các mục tiêu phát thải cụ thể, thì Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng tìm kiếm một cam kết đầy tham vọng từ các thành viên của nhóm nhằm chấm dứt sự phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050. Ngoài ra, quan chức cấp cao G7 cũng thống nhất quan điểm sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga nếu Thỏa thuận Minsk được triển khai theo đúng kế hoạch. Phiên họp về vấn đề chống khủng bố với các quan chức Iraq, Tunisia và Nigeria cũng đạt kết quả quan trọng bằng cam kết tiếp tục hỗ trợ chính quyền các nước này trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Dù đã tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề quan trọng nhưng dư luận quốc tế vẫn đặt câu hỏi về tác động rất riêng từ những biện pháp mà các nhà lãnh đạo G7 đã thống nhất. Sự băn khoăn này thể hiện rất rõ qua các cuộc biểu tình diễn ra trước, trong và cả sau khi hội nghị kết thúc. Để đảm bảo cho cuộc bàn thảo của các nhà lãnh đạo G7, khoảng 23.000 nhân viên cảnh sát Đức đã được huy động, tạo thành một hàng rào bảo vệ dài tới 10 dặm quanh địa điểm diễn ra hội nghị. Tuy nhiên, bầu không khí yên bình của ngôi làng nhỏ nơi có khu nghỉ dưỡng sang trọng Elmau đã bị phá vỡ hoàn toàn với sự có mặt của hàng trăm người biểu tình tìm mọi cách để tiếp cận khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt. Những người biểu tình cho rằng, các nhà lãnh đạo G7 đã nhiều lần thất bại trong việc thực hiện cam kết của mình và chưa có hành động quyết định để giải quyết các vấn toàn cầu cấp bách như tình trạng đói nghèo, vấn đề biến đổi khí hậu…