Ga Hà Nội từ công trình lịch sử đến biểu tượng của đô thị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ga Hà Nội được xây dựng từ năm 1902 - đây là công trình có bề dày lịch sử lâu đời, là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao lưu tấp nập của Hà Nội.

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong tương lai, Ga Hà Nội sẽ trở thành “nút chiến lược” trong mạng lưới giao thông. Không chỉ có thế, đồ án quy hoạch này còn có mục tiêu định hình khu vực mang tính biểu tượng về kiến trúc của đô thị trung tâm.

Phát triển mô hình TOD

Chính thức khởi động cho việc xác lập quy hoạch phân khu đặc biệt này, Sở QH - KT Hà Nội và đại diện là Ban QLDA Quy hoạch xây dựng đã ký hợp đồng tư vấn với Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (Nhật Bản) để lập quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và vùng phụ cận tỷ lệ 1/2000 (gói thầu số 4). Mục tiêu của đồ án quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông trong khu vực, giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc công trình Ga Hà Nội. Quy hoạch sẽ định hình khu vực mang tính biểu tượng về kiến trúc, hình thành một khu trung tâm công cộng dịch vụ - văn hóa năng động, tạo sức hút và cấu trúc hiện đại với chức năng đầu mối giao thông, trung tâm thương mại - văn phòng và đầu mối giao lưu cấp vùng; làm cơ sở để triển khai lập quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư xây dựng với sự đồng bộ không gian ngầm, cầu đi bộ trên cao và quảng trường trước Ga Hà Nội.
Ga Hà Nội từ công trình lịch sử đến biểu tượng của đô thị - Ảnh 1
Theo Sở QH - KT Hà Nội, các công trình trong quy hoạch phân khu đô thị này có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của khu vực trung tâm TP. Tạo một điển hình tiên tiến của mô hình phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng - TOD (Transit Oriented Development), lấy nhà ga đường sắt làm trung tâm, đồng bộ với quy hoạch toàn phân khu.

Yêu cầu của UBND TP Hà Nội đối với đồ án đó là, quy hoạch cần nghiên cứu, tiếp thu, kế thừa kinh nghiệm cũng như các dự án TOD tương tự tại các quốc gia trên thế giới để có giải pháp thích hợp; triển khai đồng bộ các tuyến giao thông giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông thông qua việc áp dụng mô hình TOD. Đồng thời, phát triển đô thị theo nhiều tầng để tạo ra không gian hiệu quả như phát triển không gian ngầm, kết nối các trung tâm mua sắm với các nhà ga, phát triển các khu dân cư xung quanh điểm kết nối thông qua việc tăng cường hệ thống giao thông công cộng, đặt biệt là sự kết nối các khu dân cư với các nhà ga Metro. Cùng với quy hoạch không gian, sẽ có các quy định, chính sách hỗ trợ để khuyến khích sự phát triển đô thị, góp phần tạo nên thành công trong việc thực hiện mô hình TOD.

Trước đó, xét đề nghị của UBND TP Hà Nội và ý kiến của Bộ KH&ĐT về việc lựa chọn tư vấn lập Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và vùng phụ cận tỷ lệ 1/2000 theo hình thức chỉ định thầu, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn đồng ý về nguyên tắc hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu. Thủ tướng cũng giao UBND TP Hà Nội tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc chỉ định thầu để chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu về chất lượng và hiệu quả theo quy định của pháp luật.

Vào tháng 2/2013, Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd đã có báo cáo đề xuất lập quy hoạch phân khu chức năng tái phát triển Ga Hà Nội, khu vực phụ cận và định hướng quy hoạch không gian ngầm đô thị TP Hà Nội. Lúc đó, UBND TP cũng đã giao Sở QH - KT phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và Ban Quản lý các dự án đường sắt nghiên cứu, xác định ranh giới, đề xuất kinh phí để lập quy hoạch phân khu Ga Hà Nội phù hợp các phân khu lân cận theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được phê duyệt.

Chú trọng khai thác không gian ngầm

Ông Lê Vinh - Giám đốc Sở QH - KT cho biết, nhiệm vụ lập quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 3140/QĐ-UBND ngày 12/6/2014 nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch có mục tiêu định hình khu vực mang tính biểu tượng về kiến trúc, hình thành một khu trung tâm công cộng dịch vụ - văn hóa năng động, tạo sức hút và cấu trúc hiện đại với chức năng “đầu mối giao thông”, “trung tâm thương mại - văn phòng”, và “đầu mối giao lưu cấp vùng”. Quy hoạch phân khu này sẽ làm cơ sở để triển khai lập quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư xây dựng.

Đồ án sẽ thực hiện quy hoạch đồng bộ không gian ngầm, cầu đi bộ trên cao và quảng trường trước ga. Các công trình này có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của khu vực trung tâm TP. Quy hoạch sẽ đưa ra các định hướng để phát huy tiềm năng to lớn của khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, tăng khả năng tiếp cận ga với các công trình của khu phố cổ, khu phố cũ và khu vực phía Tây thuộc quận Đống Đa.

Do Ga Hà Nội và khu vực phụ cận có lưu lượng giao thông lớn, rất đông đúc, việc hình thành mạng lưới đường dành cho người đi bộ cả trên mặt đất và dưới ngầm nhằm kết nối thuận tiện giữa các loại hình giao thông, các công trình phụ cận và không gian công cộng, thương mại là việc rất cần thiết. Hơn nữa, sử dụng không gian ngầm một cách hợp lý còn được xem xét như là một giải pháp cho các vấn đề đỗ xe trong khu vực trung tâm đô thị, phát huy việc sử dụng đất cho nhu cầu thương mại, dịch vụ, văn phòng. Quy mô nghiên cứu không gian ngầm sẽ vào khoảng 26ha với ranh giới phía Bắc là phố Quốc Tử Giám, phía Bắc Ga Hà Nội hiện hữu; phía Nam là đường quy hoạch; phía Đông là phố Phan Bội Châu, ngõ Tức Mạc; phía Tây là ngõ Văn Chương, ngõ Linh Quang, đường quy hoạch.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đã bày tỏ quan điểm đồng tình với quyết định đầu tư quy hoạch Ga Hà Nội và cũng mong mỏi sẽ có một đồ án xứng tầm với kỳ vọng. Ông Lê Vinh đánh giá, việc lập Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận sẽ làm rõ hình ảnh tương lai của khu vực xứng đáng với chức năng là cửa ngõ, bộ mặt của Thủ đô Hà Nội đã được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đây cũng là cơ sở cho việc tái thiết đô thị và thu hút đầu tư xây dựng, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.
Ba điểm chính của Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận: Thứ nhất, Ga Hà Nội là khu vực phụ cận cần được xây dựng một cách thống nhất và đồng bộ thành cửa ngõ mới của Thủ đô Hà Nội với ba chức năng: “Đầu mối giao thông”, “Trung tâm thương mại - văn phòng” và “Đầu mối giao lưu cấp vùng”.
Thứ hai, quy hoạch để các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác phát triển Ga Hà Nội và khu vực phụ cận có thể cùng thực hiện một cách thống nhất, bền vững nhiệm vụ quản lý khu vực và sớm đưa dự án vào thực hiện.
Thứ ba, cần đề ra định hướng giải quyết về mặt lâu dài các vấn đề tồn tại như khu vực trung tâm đang xuống cấp (nước thải sinh hoạt, rác thải, ô nhiễm môi trường đô thị…).
Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận có tổng diện tích đất nghiên cứu khoảng 94ha thuộc địa giới các quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Giới hạn được xác định bởi: Phía Bắc: phố Nguyễn Thái Học; Phía Nam: phố Khâm Thiên, đường quy hoạch; Phía Đông: đường Lê Duẩn, phố Nguyễn Thượng Hiền, phố Yết Kiêu, phố Trần Hưng Đạo, phố Phan Bội Châu; Phía Tây: phố Tôn Đức Thắng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần