Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gã “khổng lồ” chip vi mạch hỗ trợ Việt Nam thành lập trung tâm thiết kế

Theo VietnamPlus
Chia sẻ Zalo

Synopsys sẽ cung cấp giấy phép đào tạo, giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình “Đào tạo Giảng viên” cho NIC để giúp thành lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

Ngày 19/9, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, cho biết Synopsys, Inc. (Nasdaq: SNPS và thuộc S&P 500), công ty dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn, đã ký hợp tác với NIC để phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys sẽ hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

Lễ ký kết có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các lãnh đạo khác của Việt Nam trong chuyến thăm trụ sở Synopsys ở Sunnyvale, California.

Hiện NIC đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, bao gồm các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa phần mềm và đồng bộ thiết kế SoC (hệ thống trên chip) phần cứng.

Đại diện của NIC cho biết hợp tác này nhằm đào tạo lực lượng lao động thiết kế vi mạch chất lượng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp thiết kế chip tại Việt Nam. Cụ thể, chương trình hợp tác sẽ hỗ trợ chiến lược của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp.

Trên cơ sở hợp tác, Synopsys sẽ cung cấp giấy phép đào tạo, giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình “Đào tạo Giảng viên” cho NIC. Bên cạnh đó, NIC sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng mô phỏng và tạo mẫu công nghệ thông tin để thành lập trung tâm ươm tạo, dự kiến đi vào hoạt động trong tương lai gần.

Synopsys cam kết hỗ trợ ngành bán dẫn Việt Nam bồi dưỡng nhân lực thiết kế vi mạch thông qua hợp tác liên tục với Chính phủ Việt Nam. (Ảnh minh họa: Vietnam+)  
Synopsys cam kết hỗ trợ ngành bán dẫn Việt Nam bồi dưỡng nhân lực thiết kế vi mạch thông qua hợp tác liên tục với Chính phủ Việt Nam. (Ảnh minh họa: Vietnam+)  

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC chia sẻ: “Synopsys nổi tiếng với các giải pháp phần mềm thiết kế bán dẫn, IP và bảo mật phần mềm đầu ngành. Việc hợp tác thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch NIC tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện nhận được những lợi ích từ công nghệ thiết kế tầm cỡ thế giới của công ty bằng cách đào tạo các nhà thiết kế chip tương lai của chúng tôi theo những xu hướng mới nhất của ngành. Hợp tác cũng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam.”

Về phía Synopsys, ông Robert Li, Phó Chủ tịch Synopsys phụ trách kinh doanh tại Đài Loan và Nam Á, hy vọng việc hợp tác với NIC sẽ không chỉ mang tới những công nghệ mới cho các đối tác của Synopsys tại Việt Nam mà còn bồi dưỡng tài năng trẻ cũng như giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn trong nước.

Synopsys cam kết hỗ trợ ngành bán dẫn Việt Nam bồi dưỡng nhân lực thiết kế vi mạch thông qua hợp tác liên tục với Chính phủ Việt Nam. Ông Li nói thêm: “Sự phát triển thành công của ngành bán dẫn đòi hỏi sự hợp tác giữa chính phủ, các trường đại học công nghệ, viện nghiên cứu và doanh nhân. Synopsys sẽ hợp tác chặt chẽ với NIC để giúp củng cố sự phát triển của ngành bán dẫn và nâng cao vị thế dẫn đầu trong khu vực.”

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn và một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi.

“Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam. Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành xây dựng chương trình hành động để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030. Việc hợp tác giữa NIC và Synopsys sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực, các doanh nghiệp về thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam, cũng như tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc nâng cao năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và ngành công nghiệp bán dẫn,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói./.

Phối cảnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Ảnh: NIC/Vietnam)+
Phối cảnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Ảnh: NIC/Vietnam)+