Gác lại bất đồng vì mục tiêu chung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những ồn ào liên quan đến việc giới chức cấp cao Mỹ không xuất hiện trong cuộc tuần hành lên án chủ nghĩa khủng bố tại Paris với sự hiện diện của gần 50 lãnh đạo hàng đầu thế giới, Nhà Trắng thông báo Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về chống chủ nghĩa cực đoan sẽ diễn ra tại Mỹ vào ngày 18/2 tới.

Cuộc chiến trong không gian mạng

Đây được coi là bước đi thể hiện quyết tâm của Washington và cộng đồng quốc tế nhằm ngăn những kẻ cực đoan và những kẻ ủng hộ sử dụng mạng xã hội để "tuyển quân", huấn luyện và kích hoạt từ xa các vụ tấn công trong thời gian tới. Đề xuất này lập tức nhận được sự ủng hộ của đa số các quốc gia bởi các sự kiện gần đây ở Sydney (Australia), Ottawa (Canada) và Paris (Pháp) cho thấy, thông điệp do IS phát tán trên internet đã thúc đẩy những "sói đơn độc" thực hiện các vụ tấn công đơn lẻ, nhưng tác động rất nghiêm trọng đến tâm lý của cộng đồng.
Các nhà lãnh đạo trong cuộc tuần hành ở Paris hôm 11/1.     Ảnh: AFP
Các nhà lãnh đạo trong cuộc tuần hành ở Paris hôm 11/1. Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức Angela Merkel trước khi lên đường tới Paris dự Hội nghị quốc tế về chống khủng bố cũng cho rằng, đã đến lúc cần phải có một chiến lược toàn cầu nhằm chia sẻ thông tin, kịp thời ngăn chặn các
Ấn bản của tạp chí Charlie Hebdo được thực hiện dang dở bởi đội ngũ biên tập thiệt mạng trong vụ tấn công tuần trước chính thức ra mắt ngày 14/1 với 3 triệu bản in và được dịch ra 16 ngôn ngữ.
âm mưu tấn công khủng bố. Tại Anh, Thủ tướng David Cameron nỗ lực xây dựng và ban hành một luật mới với các quy định kiểm soát thông tin trên internet nhằm phát hiện sớm các âm mưu khủng bố và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tổ chức cực đoan "tuyển mộ" chiến binh qua những trang mạng xã hội. Tuy nhiên, bước đi này của ông Cameron đã vấp phải sự phản đối của lãnh đạo đảng đối lập với lý do cho rằng, dự luật đi ngược lại sự ủng hộ đối với các quyền tự do, trong đó có cả tự do ngôn luận mà giới chức Anh theo đuổi khi tuyên bố sát cánh bên các nạn nhân của tạp chí Charlie Hedbo. Chương trình nghị sự trong cuộc hội đàm giữa ông Cameron với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng tuần này cũng xoay quanh nội dung hợp tác, chia sẻ thông tin về đối tượng khủng bố.

Lời tuyên chiến từ IS

Chỉ một ngày sau khi kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về chống chủ nghĩa cực đoan được công bố, tài khoản YouTube và Twitter của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) - cơ quan chịu trách nhiệm về các chiến dịch quân sự tại Trung Đông hôm 12/1 đã bị tin tặc tấn công. Giới chức Mỹ đã xác định đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng do được thực hiện bởi những tin tặc có cảm tình với IS. Tài khoản Twitter sau khi bị tấn công được đăng tải những lời đe dọa và công khai cả danh tính, cách thức liên lạc của các tướng lĩnh Mỹ cùng số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của họ. Hiển thị trong kênh riêng của CENTCOM trên Youtube, hình ảnh về các cuộc không kích nhằm vào IS ở Iraq và Syria đã bị thay thế bằng 2 video clip cảnh báo của IS.

Rõ ràng, các vụ tấn công tại Pháp và hoạt động của những tin tặc có cảm tình với IS trong những ngày qua là lời cảnh báo cho thấy các cuộc tấn công khủng bố có thể tiến hành ở bất cứ đâu, dù ở Mỹ, châu Âu hay trong không gian mạng, từ bất cứ cá nhân hay tổ chức cực đoan nào. Sức mạnh và tầm ảnh hưởng của IS đang tăng nhanh là điều không thể phủ nhận, bởi ngay trên vùng đất của nhiều tổ chức cực đoan khác, lực lượng này đã tiến hành nhiều hoạt động phô trương thanh thế, giành giật lãnh thổ, chiếm đoạt nguồn tuyển dụng chiến binh… Các hoạt động này đã thúc đẩy al-Qaeda, vốn đang bị lép vế do nhiều thủ lĩnh bị tiêu diệt sẽ thực hiện các vụ tấn công nhỏ lẻ trên đất Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác để củng cố sức mạnh.

Cam kết chia sẻ thông tin

Trước thực trạng liên tiếp xảy ra các vụ tấn công tại nhiều quốc gia thành viên từ cuối năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định sẽ thông qua chương trình nghị sự nhằm định hướng lại an ninh nội bộ, giúp EU đối phó với các thách thức của chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, nỗ lực này đang vấp phải nhiều rào cản do những tranh cãi quanh Hiệp ước Schengen cho phép công dân các nước thành viên được đi lại tự do mà không cần hộ chiếu. Điều này đã tạo ra lỗ hổng để hơn 3.000 công dân EU vượt qua biên giới nhiều nước để tới Iraq, Syria, Yemen gia nhập các tổ chức cực đoan rồi trở lại châu Âu để thực hiện âm mưu khủng bố. Đề xuất các nước thành viên kiểm soát chặt biên giới và chia sẻ dữ liệu của các hãng hàng không nhằm phát hiện sớm âm mưu khủng bố đã bị một số nghị viên EC phản đối vì cho rằng động thái này chà đạp lên quyền tự do dân sự, đi ngược lại luật pháp của EU.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây buộc bộ trưởng nội vụ một số quốc gia EU trong phiên họp đầu tuần qua đã phải gác lại bất đồng liên quan đến Hiệp ước Schengen và cam kết tăng cường hiệu quả của các hệ thống thông tin trong khối. Đặc biệt, để ngăn chặn tội phạm có tổ chức và khủng bố, EU đã thành lập Quỹ An ninh nội bộ (ISF) cho giai đoạn 2014 - 2020 với tổng kinh phí khoảng 3,8 tỷ EUR.

Các hội nghị khẩn về chống tội phạm có tổ chức, chủ nghĩa cực đoan được triệu tập liên tiếp trong những ngày qua và chiến dịch chống IS đang được liên quân quốc tế thực hiện tại Iraq, Syria được cho là nỗ lực của Mỹ và châu Âu trong việc tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố. Nhưng điều khiến nhiều chính trị gia lo ngại là các chương trình nghị sự bàn cách chống chủ nghĩa cực đoan có thể làm bùng phát bạo lực bởi tâm lý sợ hãi và các nỗ lực xuyên quốc gia đã kích động phong trào bài Hồi giáo tại nhiều nước châu Âu. Liệu con số 10.000 cảnh sát được huy động để bảo vệ những người Do Thái, Hồi giáo lên tới 6 triệu người tại Pháp có hiệu quả khi đã xảy nhiều vụ tấn công vào các nhà thời của người Hồi giáo. Những yếu tố này cùng sự lạm dụng tự do ngôn luận, các chính sách mang tính kỳ thị chủng tộc sẽ tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ những người theo chủ nghĩa cực đoan. Vòng luẩn quẩn này tồn tại đến bao giờ thì không nhà phân tích chính trị nào biết rõ nhưng có một điều chắc chắn là nếu không gác lại được những bất đồng giữa các đảng phái, giữa các quốc gia và trong liên minh, cuộc chiến với khủng bố sẽ cam go, khốc liệt hơn lúc nào hết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần