Găm giữ ngoại tệ vẫn nóng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những diễn biến trong thời gian qua, dường như tỷ giá trung tâm chưa đóng vai trò định hướng thị trường như kỳ vọng của cơ quan quản lý.

Thị trường ngoại tệ dù ổn định, song vẫn còn một số vấn đề.

Không “buông” USD dù lãi suất 0%

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá tương đối ổn định, song dù tỷ giá đã "nguội" đi, lãi suất USD xuống 0%, tình trạng găm giữ ngoại tệ của DN và người dân vẫn còn khá phổ biến. Đại diện một DN chuyên sản xuất, chế biến các mặt hàng gia vị và nông sản tại khu vực phía Bắc cho biết, DN chuyên xuất khẩu hàng sang thị trường Mỹ và châu Âu, nhưng do có sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ, nên khi có nguồn thu bằng USD từ việc thanh toán của đối tác, DN không bán, mà duy trì trên tài khoản để chờ đến kỳ tất toán khoản vay cho ngân hàng, đồng thời để đề phòng rủi ro tỷ giá.
Giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng Quốc Dân chi nhánh Hà Nội. 	Ảnh: Chiến Công
Giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng Quốc Dân chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Không chỉ với các DN có nhu cầu ngoại tệ thanh toán cuối năm muốn giữ USD, mà nhiều khách hàng cá nhân cũng chưa muốn “buông” ngoại tệ. Thực tế lượng tiền gửi bằng USD thời gian qua vẫn tăng vọt, huy động ngoại tệ trong năm 2015 tăng tới 14,3% - cao hơn rất nhiều so với mức 4,7% của năm 2014. Điều đáng nói, huy động vốn bằng ngoại tệ chỉ tăng đột biến trong 4 tháng cuối năm 2015, tức vào thời điểm lãi suất tiền gửi USD đã về gần mức 0%.

“Gửi USD vào ngân hàng lãi suất 0% mà người dân vẫn không chuyển sang VND chứng tỏ chính sách này vẫn chưa giúp huy động được hiệu quả các nguồn vốn” - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Đức Thúy trong một hội thảo mới đây bình luận. Ông Thúy cũng chỉ ra, trước đây, khi còn được ngân hàng trả lãi, người dân thường gửi USD với kỳ hạn ít nhất 1 - 3 tháng, nhưng từ khi NHNN áp dụng lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0%, hầu hết các khoản tiền gửi tiết kiệm đều chuyển về lãi suất qua đêm. Như vậy, hàng triệu USD được gửi trong hệ thống ngân hàng có thể được rút ra bất cứ lúc nào. Đây là nguyên nhân khiến không ít DN lớn của Việt Nam phải vay ngoại tệ nước ngoài với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất USD trong nước. Đơn cử, các tập đoàn lớn như Masan, Hoàng Anh Gia Lai… Và đến ngay như Chính phủ Việt Nam cũng phải huy động hàng tỷ USD từ vốn trái phiếu quốc tế với lãi suất rất cao.

Hệ quả lãi suất VND khó giảm

Những tháng đầu năm cùng với việc xuất siêu, nguồn cung USD cũng khá tốt nhờ kiều hối đổ về, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tăng trưởng tốt… nên NHNN chưa phải can thiệp nhiều lên thị trường ngoại tệ. Tuy nhiên, đại diện Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng, đây chỉ là yếu tố mang tính tạm thời, áp lực thực tế từ sự mạnh lên của đồng USD và khả năng tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ lên tỷ giá VND hiện vẫn còn lớn. Xuất siêu chủ yếu là do nhập khẩu giảm (giảm 6,6%), không phải do xuất khẩu tăng cao. Trong khi nền sản xuất vẫn còn đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu như hiện nay, nhập siêu có thể tăng trở lại.

Ông Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, năm 2015, mặc dù cán cân vãng lai và cán cân tài chính đều thặng dư, nhưng cán cân thanh toán tổng thể (BOP) lại thâm hụt khá lớn. “Điều này chính xác vì nó thể hiện trên sự sụt giảm dự trữ ngoại hối của NHNN có phần nào đó chi tiêu đặc biệt, nhưng chủ yếu là vì tình trạng găm giữ USD” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Cơ chế tỷ giá hối đoái cũng khiến DN găm giữ ngoại tệ. Một vấn đề mà không ít DN than phiền là giao dịch USD kỳ hạn thiếu sòng phẳng. “Họ biến một nhu cầu thật thành nhiều nhu cầu giả. Anh nhập khẩu một lô hàng, 6 tháng sau mới phải trả tiền, nhưng giờ anh đã nhấp nhổm đi mua ngoại tệ. Mua ngoại tệ xong, một tháng sau nghe thông tin, anh lại bán, rồi tháng sau lại mua. Cứ thế, chỉ có một hợp đồng mua ngoại tệ, biến thành 3 - 4 hợp đồng, mà những hợp đồng này lại là mua bán thật, không phải ảo, chuyện này rất có lợi cho DN găm ngoại tệ, ngân hàng có ý định đầu cơ, buôn bán ngoại tệ. Găm giữ trở thành hệ thống thì nhà quản lý điều hành sao nổi?” - ông Nghĩa phân tích.

Năm 2016, kinh tế thế giới được nhận định sẽ diễn biến khác với dự báo trước đây của NHNN, do đó, điều hành tỷ giá phải xoay chuyển kịp thời. Và ổn định tỷ giá cũng là điều kiện cần để hạ lãi suất. “Cơ hội để giảm lãi suất khi lạm phát thấp có tận dụng được hay không lại phụ thuộc nhiều vào biến động của tỷ giá. Nếu người dân không sẵn sàng nắm giữ VND, sẽ rất khó giảm lãi suất" - TS Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính) nhận định.