Việt Nam trong nhóm nhận kiều hối cao
Theo đánh giá của lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, kiều hối gia tăng khoảng 10 - 20% trong dịp Tết này. Trước đó, nửa đầu năm 2022, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam bị ảnh hưởng do bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn. Nhưng tình hình đã cải thiện tích cực vào cuối năm.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định, lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết Nguyên đán thường tăng 10 - 15% so với các tháng trong năm. Năm nay, do Tết đến sớm, gần với Noel và Tết Dương lịch, nên kiều bào tập trung gửi tiền về dịp cuối năm cho người thân ăn Tết và mừng tuổi. Với giao dịch online - vốn đang chiếm khoảng 80% - lượng chi trả kiều hối không bị gián đoạn bởi thời gian nghỉ Tết.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD), do ảnh hưởng của kinh tế suy giảm và lạm phát trên toàn cầu tăng cao, năm 2022, lượng kiều hối chuyển về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dự báo chỉ tăng 5%, lên 626 tỷ USD, thấp hơn mức tăng 10,2% ghi nhận trong năm 2021.
Đã có nhiều ý kiến lo ngại về lượng kiều hối trong năm 2022 sẽ giảm mạnh do tình hình lạm phát tăng cao trên thế giới. Giá dầu, giá lương thực tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, khiến lượng tiền gửi về gia đình giảm sút. Tuy nhiên thực tế, những con số ghi nhận cho tới thời điểm này vẫn cho thấy tín hiệu tích cực từ nguồn lực quý giá này.
WB và KNOMAD cho biết, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối đã vượt qua mức 10 tỷ USD và tăng gần gấp đôi. Năm 2022, WB và và KNOMAD đánh giá lượng kiều hối về Việt Nam tăng 4,4% so với năm 2021.
“Nguồn kiều hối vẫn tăng trưởng tích cực là bởi Việt Nam có môi trường đầu tư ngày càng tốt, nhiều chính sách hấp dẫn dành cho Việt kiều. Người dân ngày càng cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực của môi trường kinh doanh trong nước, cộng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô là những yếu tố khuyến khích kiều bào chuyển tiền về cho người thân đầu tư trong nước” - TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế nhận định.
Nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế
Các chuyên gia cho rằng, lượng kiều hối dù được đưa vào kênh tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư vào nền kinh tế, tiêu dùng hằng ngày cũng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế thời gian tới.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, với bản chất là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của kiều bào, của người lao động ở nước ngoài chuyển về có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Nếu xem đây là nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, kiều hối có đặc điểm khác với các nguồn vốn khác, đó là không phải hoàn trả, không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay.
Một xu hướng đáng chú ý là nhiều người nhận kiều hối sẽ bán ra lấy VND gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao, hoặc lấy vốn kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cuối năm, hoặc mua sắm, chi tiêu. Do đó, nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp tỷ giá USD/VND ổn định, thậm chí giảm dịp cuối năm.
Nguồn kiều hối chuyển về năm 2022 là nguồn thu ngoại tệ, góp phần trong việc bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của ngân hàng trung ương, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lãi suất tăng là không nhỏ - khi áp lực lạm phát gia tăng và đồng tiền tại một số quốc gia trên thế giới có xu hướng mất giá mạnh trong năm 2022.
Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh
Để thu nguồn lực quý giá này, thời gian qua, các nhà băng đã triển khai nhiều chương trình với chính sách ưu đãi hấp dẫn thu hút kiều hối như Vietbank, Sacombank, Agribank, BIDV…
Khi dòng kiều hối được chuyển qua kênh ngân hàng nhiều hơn, các ngân hàng thương mại sẽ có cơ hội tăng thu hút tiền gửi từ chuyển đổi ngoại tệ sang VND, thêm nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế. Hơn nữa, kiều hối chuyển qua kênh chính thức còn giúp tổ chức tín dụng tiếp cận các hộ gia đình, cung cấp dịch vụ tài chính, tạo cơ hội cho họ quản lý tài chính cá nhân, hạn chế rủi ro tài chính. Trên cơ sở đó các tổ chức tín dụng sẽ phát triển mảng bán lẻ đến từng người nghèo ở khu vực nông thôn, thúc đẩy tiết kiệm, đầu tư hiệu quả từ nguồn kiều hối.
Dự báo, kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tăng 3,6 - 4,5% trong năm 2023.