Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gần 400 học sinh trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) sôi nổi tham gia chuyên đề giáo dục pháp luật trực tuyến

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/11, trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đã tổ chức chuyên đề giáo dục pháp luật cho học sinh hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tham dự buổi tuyên truyền có đại diện lãnh đạo phòng Tư pháp quận Cầu Giấy, phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, UBND phường Nghĩa Tân; 39 giáo viên chủ nhiệm, đại diện Ban giám hiệu các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy cùng gần 400 học sinh trường THCS Nghĩa Tân. Do dịch bệnh Covid- 19 có diễn biến phức tạp, buổi tuyên truyền pháp luật được diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Trong vai trò báo cáo viên, Thiếu tá, TS Nguyễn Văn Oanh, giảng viên khoa Cảnh sát Hình sự (Học viện Cảnh sát Nhân dân) đã dẫn dắt các học sinh vào 3 nội dung chính: Ý nghĩa của Ngày pháp luật Việt Nam (9/11); nhận diện một số hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, đặc biệt trong giai đoạn học trực tuyến.
 Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Nguyễn Mỹ Hảo: Mỗi thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên, học sinh cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật 
Để tạo hứng khởi cho học sinh, buổi tuyên truyền đã mở đầu bằng một trò chơi khởi động thú vị qua phần mềm Quizizz. Gần 400 học sinh trường THCS Nghĩa Tân đã sôi nổi, hào hứng khi cùng tham gia trả lời 12 câu hỏi liên quan pháp luật, các Luật như: Giao thông đường bộ; phòng chống tác hại thuốc lá, phòng chống xâm hại trẻ em, Hình sự, Dân sự, phòng chống rượu bia, phòng chống Covid-19…
Thông qua việc sử dụng nền tảng trực tuyến, những tình huống cụ thể có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật, tình trạng bắt nạt học đường, bắt nạt qua mạng, sử dụng mạng xã hội, bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội…  được khéo léo lồng ghép vào các đoạn phim ngắn giúp học sinh dễ dàng nhận diện hành vi, tự mình đưa ra hướng giải quyết; từ đó dễ dàng ghi nhớ về kiến thức, cách thức, kỹ năng giải quyết khi bản thân gặp hoặc chứng kiến tình huống tương tự. 
 Các đại biểu tham dự buổi tuyên truyền pháp luật tại điểm cầu trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)
Qua thực tế những vấn đề liên quan đến pháp luật nêu trên, TS Nguyễn Văn Oanh cũng định hướng: Với học sinh cần tích cực rèn luyện kỹ năng sống, ngoan ngoãn, lễ phép với ông bà bố mẹ; chấp hành nội quy trường lớp, nói không với bạo lực; học cách kiềm chế cảm xúc; tránh làm tổn thương bạn bè trong học tập. Với thầy cô cần nhận biết sớm hành vi bạo lực bằng việc thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm bắt tình hình của các em; tích cực tổ chức hoạt động giáo dục (trong và ngoài giờ); tạo môi trường học tập và giảng dạy lành mạnh; phối hợp gia đình, nhà trường để quan tâm, hỗ trợ, kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của học sinh…
TS Nguyễn Văn Oanh nhấn mạnh: Trong giai đoạn học trực tuyến, học sinh tiếp cận nhiều với thiết bị điện tử và mạng xã hội nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ; trong đó có nguy cơ bị bắt nạt, bị lừa đảo qua mạng. Để không trở thành nạn nhân của kẻ xấu, các em cần tuyệt đối tránh nhận lời kết bạn với người lạ, không click vào link do người lạ gửi, không chia sẻ, bình luận những nội dung chưa được kiểm chứng…
 Thiếu tá, TS Nguyễn Văn Oanh- giảng viên Học viện Cảnh sát Nhân dân có bài giảng lôi cuốn gần 400 học sinh
Chuyên đề tuyên truyền pháp luật tại trường THCS Nghĩa Tân đã cung cấp nhiều kiến thức pháp luật hữu ích cho học sinh; giúp các em nhận diện và có cách thức ứng xử pháp luật phù hợp trước những tình huống thường gặp trong cuộc sống hàng ngày; từ đó bảo vệ sự an toàn cho bản thân và bạn bè, góp phần giữ gìn sự lành mạnh trong môi trường học đường.
 Những hình ảnh sinh động tại buổi tuyên truyền pháp luật trực tuyến tại trường THCS Nghĩa Tân
“Để Ngày pháp luật 2021 thực sự thiết thực, ý nghĩa, mỗi thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên, học sinh cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật vì lợi ích của mình và cộng đồng; thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thực hiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn trường học. Bên cạnh đó, cần có giải pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhà trường, coi đây là khâu đột phá trong tổ chức thi hành pháp luật. Thêm nữa, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường bằng cách lồng ghép pháp luật vào các môn học chính khóa, các giờ ngoại khóa, cung cấp cho học sinh những kiến thức pháp luật cơ bản khi ngồi trên ghế nhà trường để sau này trở thành những công dân tốt, có ý thức chấp hành pháp luật nghiêm túc…”- Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân Nguyễn Mỹ Hảo bày tỏ.