Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đến mùng 3 Tết Quý Mão:

Gần 450 ca ngộ độc thức ăn, hơn 300 ca cấp cứu do pháo nổ

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, sau 4 ngày nghỉ Tết có 365 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại; 449 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá; có 4 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến mùng 3 Tết Quý Mão, các cơ sở y tế đã thực hiện khám, cấp cứu cho 48.953 bệnh nhân tăng 25% so với cùng kỳ.

Báo cáo nhanh về tình hình khám, chữa bệnh từ 7 giờ mùng 2 đến 7 giờ mùng 3 Tết Quý Mão của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đã có 471 ca cấp cứu do đánh nhau, giảm 16,6% so với cùng ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, số ca nặng phải nhập viện điều trị, theo dõi là 232 trường hợp, giảm 9%, 44 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên, 5 ca tử vong, so với 4 ca cùng ngày Tết Nhâm Dần 2022.

Như vậy, trong 4 ngày nghỉ Tết (từ 7 giờ 30 Tết đến 7 giờ mùng 3 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023) đã có 1.983 ca cấp cứu do đánh nhau, chiếm 1,1% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện; 43% trong số đó phải nhập viện điều trị, theo dõi và đã có 9 trường hợp tử vong.

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám sau phẫu thuật cho bệnh nhân bị tao nạn do pháo nổ.
Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám sau phẫu thuật cho bệnh nhân bị tao nạn do pháo nổ.

Đến thời điểm 7 giờ mùng 3 Tết Quý Mão 2023, tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh tại là 96.327 bệnh nhân. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 48.953 bệnh nhân tăng 25%; có 26.633 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú tại các cơ sở y tế, chiếm 58%, tăng 42,1% so với so với cùng ngày năm trước.

Các cơ sở y tế đã chuyển viện 2.423 bệnh nhân; thực hiện 2.662 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 611 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân; đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 3.367 trẻ chào đời và cho xuất viện 14.068 bệnh nhân về nhà ăn Tết.

Trong ngày, tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông là 4.716 trường hợp, tăng nhẹ 6,6% so với cùng ngày Tết Nhâm Dần 2022. Số lượt tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 1.772 trường hợp, tăng 17,7%; tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về là 57 ca, tăng 24% so với cùng ngày năm trước.

Sau 4 ngày nghỉ Tết đã có 16.326 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,5% trong tổng số khám, cấp cứu chung; trong đó có 6.094 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 16,0%.

Đã có 179 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, tăng 17 ca so với cùng kỳ năm trước.

Cũng sau 4 ngày nghỉ Tết đã có 365 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 133 ca so với cùng kỳ năm trước, không có ca tử vong. Cùng với đó, đã có tổng cộng 7.829 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 5,1% trong tổng số khám, cấp cứu bệnh viện, trong đó 13 trường hợp đã tử vong.

Số ca khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn trong ngày là 141 trường hợp, giảm 9,3% so với cùng ngày Tết Nhâm dần 2022, trong đó 67 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia; 5 trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến.

Như vậy sau 4 ngày nghỉ Tết đã có 449 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước; có 4 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong 4 ngày nghỉ Tết (từ 30 tháng Chạp đến mùng 3 Tết Quý Mão), tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Quý Mão 2023, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân. Số ca nhập viện do tai nạn giao thông tăng, số tử vong giảm; tai nạn đánh nhau giảm, tai nạn do pháo nổ tăng so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022...