Tại hội nghị “Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa Đông-Xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019” do Bộ Y tế tổ chức chiều 18/11, TS Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh truyền nhiễm hay gặp trong mùa Đông-Xuân là: Cúm, sởi, ho gà, liên cầu lợn, tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng, bạch hầu, rubella…Đặc biệt, về bệnh SXH, tính đến thời điểm này cả nước đã có hơn 250.000 trường hợp mắc, trong đó 49 trường hợp tử vong.
Chuyên gia y tế dự phòng cũng lo ngại, một số bệnh giảm sâu, nhưng vẫn xuất hiện các trường hợp mắc rải rác, các ổ dịch tản phát: Sốt rét, sởi, tay chân miệng. Một số bệnh đã được khống chế nhưng vẫn ở mức cao như SXH, tay chân miệng.
Sở dĩ các bệnh truyền nhiễm gia tăng trong mùa Đông-Xuân bởi thời điểm trên là mùa lễ hội, thường tập trung đông người và gia tăng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm. Thời tiết ẩm ướt kéo dài; gia tăng đi lại nên có nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa.
Cũng theo ông Tấn, bệnh SXH liên quan nhiều đến biến đổi khí hậu, ổ bọ gậy nguồn không được dọn dẹp. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Chính quyền một số địa phương chưa quan tâm, chưa quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch bệnh...
Để phòng bệnh SXH, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân năm 2019 - 2020 sẽ chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa đông xuân và mùa lễ hội. Nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền, các bộ ban ngành đoàn thể.
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, các ổ dịch tại cộng đồng, xử lý kịp thời, hiệu quả.
Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đạt 95% quy mô xã, phường. Sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị hạn chế thấp nhất tử vong.
Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh. Tập huấn nâng cao năng lực các tuyến về giám sát, đáp ứng, điều trị. Đảm bảo hậu cần cho công tác phòng chống dịch.
Trong 10 tháng đầu năm 2019, hầu hết các dịch bệnh truyền 4 nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2018; riêng sốt xuất huyết theo chu kỳ nên số mắc, số chết tăng so với cùng kỳ; số mắc tay chân miệng tăng 0,5%. |