Gần 6 triệu ca tử vong hàng năm liên quan tới thuốc lá

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/5, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá phối hợp với BCĐ phòng, chống tác hại thuốc lá tổ chức “Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá”.

Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25 - 31/5).
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, sử dụng thuốc lá gây ra hơn 25 căn bệnh như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản…. Các nghiên cứu cũng cho thấy hơn 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do sử dụng thuốc lá gây ra.
"Với gần 6 triệu ca tử vong hàng năm trên thế giới do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó gần 5 triệu ca là ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ XXI, tổng số ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá sẽ lên tới 1 tỷ người” - ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.
Được biết, để hạn chế các tác hại của thuốc lá gây ra, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2019 - 2020 và triển khai thực hiện đến các sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và UBND các quận, huyện, thị xã nhằm tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn ngừa hút thuốc trong thanh, thiếu niên, bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước khỏi các tổn thất về sức khỏe do việc sử dụng thuốc lá gây ra.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cùng các đại biểu tập bài thể dục giữa giờ do Bộ Y tế khuyến cáo
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn gặp nhiều khó khăn, do thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, tỷ lệ người dân sử dụng thuốc lá hiện vẫn còn cao. Bên cạnh đó, mọi người có thể mua thuốc lá ở nơi công cộng, đặc biệt là các quán trà đá vỉa hè đến quán cà phê, nhà hàng sang trọng và những địa điểm vui chơi khác khá dễ dàng...
Với thực trạng trên, thời gian tới Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá của TP, Sở Y tế sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tác hại thuốc lá, duy trì và nhân rộng việc triển khai thực hiện mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện và xây dựng mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” tại các điểm du lịch trên địa bàn TP.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ tổ chức các đợt thanh, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về buôn bán, kinh doanh, sử dụng thuốc lá trên toàn TP. 
 Các đại biểu đạp xe hưởng ứng chương trình.
Ngay sau Lễ mít tinh, 100 tình nguyện viên chia thành hai đoàn đã đạp xe diễu hành qua nhiều tuyến đường phố chính như: Nguyễn Chí Thanh, Láng, Cầu Giấy, Kim Mã, Huỳnh Thúc Kháng, Giảng Võ… để cổ động, tuyên truyền đến người dân về tác hại của thuốc lá và kêu gọi người dân cùng hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc 31/5.
 Nhiều bạn trẻ tham gia chương trình đạp xe hưởng ứng tuần lễ.
Các thông điệp chính được các tình nguyện viên mang theo như: Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi; 90% người ung thư phổi là do hút thuốc lá; Nguy cơ ung thư phổi ở người hút thuốc lá cao hơn 20 lần so với người không hút thuốc; Cấm hút thuốc lá tại cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc và trên phương tiện giao thông công cộng; cấm hút thuốc tại khu vực trong nhà của bến xe, bến tàu;
Mọi người có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá; Không hút thuốc vì sức khỏe của bạn và những người thân yêu; Hãy nhắc người hút thuốc không hút gần mình và những người xung quanh…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần