Gần 600 loại sữa bột giả: tội phạm kinh tế tinh vi, đặc biệt nghiêm trọng
Kinhtedothi - Liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ gần 600 loại sữa bột giả; Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã bắt tạm giam 2 đối tượng chủ mưu, cùng 6 bị can khác… Về vụ án này, luật sư cho rằng vụ án sữa giả hội tụ đầy đủ các yếu tố của tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.
Cần xem xét nhiều tội danh
Đường dây sản xuất sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá với quy mô lớn, có doanh thu gần 500 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Đường dây này sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa giả với số lượng lớn tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây nói trên cùng 6 bị can khác về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả với gần 600 nhãn hiệu.
Cơ quan điều tra xác định, doanh thu từ việc bán các hộp sữa trên trong gần 4 năm qua là gần 500 tỷ đồng; thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất. Từ năm 2021 đến nay, 2 công ty trên còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng…
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, chuyên gia hình sự - kinh tế, đã phân tích rõ bản chất pháp lý của vụ án: căn cứ vào kết quả điều tra bước đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho thấy, vụ án hội tụ đầy đủ các yếu tố của tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi có tổ chức, kéo dài nhiều năm, hướng vào nhóm người tiêu dùng yếu thế (trẻ nhỏ, người bệnh) và đạt doanh thu bất chính gần 500 tỷ đồng.
Nghiêm trọng hơn nữa, đường dây không chỉ sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, các đối tượng còn vi phạm quy định về kế toán, hợp thức hóa dòng tiền, che giấu sai phạm, khiến thiệt hại lan rộng cả trong hệ thống tài chính - thuế.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, chuyên gia hình sự - kinh tế.
Theo luật sư Trương Anh Tú, hậu quả của sự việc trên không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng mà còn phơi bày những lỗ hổng trong kiểm soát chất lượng và vận hành doanh nghiệp - những rủi ro có thể đẩy lãnh đạo doanh nghiệp vào vòng tố tụng hình sự. “Về pháp lý, hành vi này có thể bị truy tố theo Điều 193 Bộ luật Hình sự, với mức án cao nhất là chung thân. Đồng thời, nếu có căn cứ, còn có thể xử lý thêm về các tội trốn thuế, vi phạm kế toán, rửa tiền”, luật sư Trương Anh Tú cho biết.
Cùng quan điểm, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định: ngoài hành vi sản xuất hàng giả, nhóm đối tượng còn có dấu hiệu vi phạm quy định về kế toán, nhằm che giấu doanh thu khổng lồ. Hành vi vi phạm Điều 221, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” có thể bị phạt tù cao nhất tới 20 năm, cùng với hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản…
Làm rõ trách nhiệm của người nổi tiếng quảng cáo sữa giả?
Đưa gia quan điểm về vụ án sản xuất, tiêu thụ sữa giả nói trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gian dối và xử lý đối với những người đã tiếp tay (người nổi tiếng) cho các hoạt động bán hàng giả này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, một trong những thủ đoạn tinh vi của đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả chính là tận dụng sức ảnh hưởng của các nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội để "thổi phồng" công dụng sản phẩm. Những lời quảng cáo như rót mật vào tai, biến sữa bột thành "thần dược" có thể chữa bệnh, giúp trẻ cao lớn, người già khỏe mạnh… đã khiến hàng nghìn người tiêu dùng mù quáng tin theo.
Vì vậy, quá trình điều tra vụ án không chỉ dừng ở các đối tượng sản xuất, buôn bán, mà còn cần mở rộng làm rõ vai trò của những cá nhân tham gia quảng bá, tiếp thị, đặc biệt là các KOL – người có ảnh hưởng – nếu họ biết đó là hàng giả mà vẫn tiếp tay vì lợi nhuận, hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Hành vi quảng cáo gian dối, vi phạm luật quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cảnh báo: đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức. Nó phơi bày những lỗ hổng lớn trong quản lý hoạt động tiếp thị sản phẩm y tế và dinh dưỡng. Đã đến lúc cần bổ sung, siết chặt các quy định pháp luật về quảng cáo, kiểm nghiệm đầu ra sản phẩm thực phẩm, thuốc, sữa... để bảo vệ sức khỏe Nhân dân và quyền lợi người tiêu dùng…
Trích dẫn
Bộ Công Thương thông tin gì về việc cấp phép và quản lý sản phẩm?
Trước đó, ngày 14/4, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: theo quy định, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt, các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý.
Bộ Công Thương không có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Do vậy, Bộ Công Thương không thực hiện việc cấp phép và quản lý trực tiếp các sản phẩm do Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược Dinh dưỡng Hacofood Group đang sản xuất, kinh doanh. Bộ Công Thương chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Vụ sữa giả thu 500 tỷ đồng: người tiêu dùng “chẳng biết đâu mà lần, không biết tin vào ai”
Kinhtedothi - Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, bức xúc khi vụ sản xuất sữa giả, doanh thu lên tới 500 tỷ đồng vừa bị cơ quan điều tra phanh phui. Vụ việc gióng lên hồi chuông báo động thị trường nội địa bị buông lỏng quản lý, người tiêu dùng “chẳng biết đâu mà lần, không biết tin vào ai”.

Vụ sữa giả: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội chính thức lên tiếng
Kinhtedothi - Ngày 17/4, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cho biết, trong gần 600 sản phẩm thuộc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group, Chi cục ATVSTP Hà Nội thực hiện cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho 71 sản phẩm (12%), chủ yếu là thực phẩm dinh dưỡng, không có hồ sơ nào có đối tượng là những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non thiếu tháng, phụ nữ có thai…

Sau vụ sữa giả, công an lại bóc trần đường dây sản xuất thuốc giả thu lợi gần 200 tỷ đồng
Kinhtedothi - Công an tỉnh Thanh Hóa khiến dư luận choáng váng khi công bố triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả cực lớn do Nguyễn Tiến Đạt (sinh năm 1991, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu. Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, tiếp nối sau vụ sữa giả “600 loại” gây chấn động dư luận…