Vụ sữa giả thu 500 tỷ đồng: người tiêu dùng “chẳng biết đâu mà lần, không biết tin vào ai”
Kinhtedothi - Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, bức xúc khi vụ sản xuất sữa giả, doanh thu lên tới 500 tỷ đồng vừa bị cơ quan điều tra phanh phui. Vụ việc gióng lên hồi chuông báo động thị trường nội địa bị buông lỏng quản lý, người tiêu dùng “chẳng biết đâu mà lần, không biết tin vào ai”.
Hoang mang, lo lắng khi phát hiện dùng sữa giả
Gần 600 nhãn hiệu sữa giả, quảng cáo sai sự thật về thành phần như tổ yến, đông trùng hạ thảo… đã lưu hành suốt 4 năm mà không một lần bị kiểm nghiệm mẫu. Hậu quả là toàn bộ sản phẩm kém chất lượng mặc sức tiêu thụ, đánh trúng lòng tin và gây hại sức khỏe của những người dễ tổn thương nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, bệnh nhân suy thận, tiểu đường…

Chia sẻ của biên tập viên Thu Hà trên trang cá nhân. Ảnh chụp màn hình
Trên trang cá nhân, chị Thu Hà, biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), người đã vô tình cho chồng uống sữa giả sau ca phẫu thuật não chia sẻ, cuối năm 2024, chồng chị gặp tai nạn, bị chấn thương sọ não và phải phẫu thuật.
Trong thời gian chăm chồng tại bệnh viện, chị Hà mua sữa bột từ 1 cửa hàng gần cổng viện để bổ sung dinh dưỡng. Chị cho biết loại sữa này cùng các sản phẩm tương tự được bày bán tràn lan trước cổng nhiều bệnh viện lớn. Chỉ đến khi vụ gần 600 nhãn sữa giả bị "bóc trần" mới đây, chị Hà mới tá hoả vì đã mua và cho chồng uống phải sữa giả.
“May là thời gian dùng sữa chỉ 1 - 2 ngày do bác sĩ khuyến cáo ăn, uống bình thường. Nếu kéo dài, mình không biết sẽ có chuyện gì xảy ra và còn biết bao bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như gia đình tôi. Bởi họ đều có chung suy nghĩ cứ cố làm những thứ tốt nhất cho người thân nhưng thực ra lại đang đưa vào cơ thể những người yếu đuối nhất, cần được chăm sóc nhất... không rõ là thứ gì" - chị Thu Hà bày tỏ.
Theo tìm hiểu của phóng viên sản phẩm sữa biên tập viên VTV Thu Hà mua và sử dụng cho người thân chính là sản phẩm NitroGen của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, được công ty này quảng cáo trong video giới thiệu sản phẩm hồi đầu năm 2024.

Hình ảnh 1 sản phẩm sữa của Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma trên video quảng cáo của công ty.
Đáng buồn hơn là trường hợp của chị Tuyết Hoa (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) có con nhỏ 4 tuổi đang dùng sữa Colos 24h Premium (sản phẩm của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma). “Mấy hôm nay hay tin vụ sữa giả mà cả đêm tôi mất ngủ, nhìn con không khỏi xót xa, tự trách mình không thể làm một bà mẹ thông thái bởi trong suốt 2 năm qua cho con uống loại sữa này.”
Chị Thu Hà và chị Tuyết Hoa chỉ là 2 trong số hàng nghìn người đã mua và sử dụng các sản phẩm sữa có cùng một nguồn gốc sản xuất của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma.
Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, các loại sữa này không rẻ, có bao bì bắt mắt, kèm những lời quảng cáo như chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo... phù hợp cho trẻ nhỏ, người tiểu đường, phụ nữ mang thai.
Không có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm?
Đường dây sữa giả với gần 600 nhãn hiệu, thu lợi bất chính 500 tỷ đồng trong 4 năm xảy ra tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group chỉ được phanh phui khi cơ quan công an vào cuộc. Với tính chất, quy mô, lợi nhuận “khủng” của đường dây sữa giả, dư luận ngay lập tức truy vấn trách nhiệm của các cơ quan quản lý là Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế và lực lượng Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương.

Hình ảnh một số sản phẩm trong gần 600 nhãn hiệu sữa giả được cơ quan điều tra công bố mới đây.
Liên quan vụ việc này, Bộ Công Thương khẳng định không cấp phép, không quản lý trực tiếp, còn Bộ Y tế cho rằng trách nhiệm thuộc các địa phương.
Cụ thể, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương không có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt, các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý.
Còn Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng ban hành văn bản với nội dung: Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo còn việc cấp phép, hậu kiểm là trách nhiệm của các địa phương.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Vinh Phú cho rằng, với số lượng gần 600 loại sữa bột giả, doanh thu khổng lồ gần 500 tỷ đồng và hoạt động ngang nhiên trong suốt 4 năm qua đã cho thấy thực trạng quản lý an toàn thực phẩm nội địa đang có lỗ hổng lớn. Khi sự việc được phát hiện, hàng nghìn gia đình, người dân bị ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không cơ quan nào chịu trách nhiệm?
Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý liên quan đến vụ sữa giả để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi và niềm tin của người tiêu dùng. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm minh những đối tượng tham gia vào đường dây sữa giả để răn đe.
Theo TS. Vũ Vinh Phú, tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các sản phẩm như sữa tiệt trùng, sữa bột (trừ sữa dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi hoặc các nhóm đối tượng đặc biệt) thuộc diện DN được tự công bố chất lượng. Do vậy, nếu công tác hậu kiểm không được thực hiện nghiêm sẽ tạo ra cơ hội để hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường.
Ngoài trách nhiệm của cơ quan cấp phép, đối với những hàng hóa đã được cấp phép, lưu thông trên thị trường, lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cần phối hợp kiểm tra trên cơ sở giấy phép đã được cấp.
Trích dẫn
Mới đây, Cơ quan điều tra, Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can, trong đó có Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà, Giám đốc và cổ đông sáng lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Hàng trăm sản phẩm của 2 công ty này quảng cáo dành cho nhiều đối tượng khác nhau nhưng đều dùng chung công thức, nguyên liệu.
Tại cơ quan điều tra, nhóm này khai tất cả thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột đều không được kiểm tra. DN gần như không kiểm nghiệm thực tế toàn bộ dưỡng chất trong sữa. Trong suốt thời gian hoạt động, các DN này vẫn vận hành với hồ sơ giấy tờ đầy đủ, đạt chứng nhận FDA của Mỹ, được xướng tên tại các giải thưởng uy tín hàng năm. Họ thuê người nổi tiếng và bác sĩ xuất hiện trong hàng loạt video trên mạng để tạo lòng tin với người tiêu dùng.

Cục ATTP lên tiếng vụ sản xuất, kinh doanh sữa giả
Kinhtedothi - Ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế thông tin liên quan đến vụ việc sản xuất, kinh doanh sữa giả.

Rà soát cơ sở sản xuất sữa giả, xử lý nghiêm người nổi tiếng vi phạm quảng cáo
Kinhtedothi - Ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã có văn bản gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) về việc phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm.

Những hiểm họa khôn lường với sức khỏe khi uống phải sữa giả
Kinhtedothi - Việc sử dụng sữa giả không chỉ khiến cơ thể thiếu hụt dưỡng chất cần thiết, mà còn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe. Dưới đây là những tác động nghiêm trọng của sữa giả đối với sức khỏe.