Gần Tết, lại lo “gặp nạn” vì tiết canh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hầu như tháng nào, Bệnh viện (BV) Nhiệt đới T.Ư cũng tiếp nhận các trường hợp bị nhiễm bệnh liên cầu lợn, kiết lị, tiêu chảy vì ăn tiết canh, nhất là vào dịp cuối năm.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân, hãy nói không với tiết canh, nếu không muốn rước họa vào thân, thậm chí mất mạng.

Tết nào cũng có người nhập viện

Chỉ tính riêng BV Nhiệt đới T.Ư, trong gần 10 ngày nghỉ Tết năm ngoái, có tới 9 người nhập viện do ăn tiết canh, trong đó 2 trường hợp tử vong. Điển hình là trường hợp bệnh nhân C.V.T. ở Thanh Hóa bị liên cầu khuẩn, nhập viện đúng ngày mồng 1 Tết, sau khi liên hoan tất niên bằng tiết canh dê. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc BV cho biết, các bệnh nhân nhập viện chủ yếu là nam giới, đến từ các tỉnh, thành phía Bắc như Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội và phần lớn đều có liên quan đến giết mổ, chế biến, bán thịt hoặc ăn tiết canh. Khi mắc, bệnh nhân thường khởi đầu bằng sốt cao, sau đó tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn.
Bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư do nhiễm liên cầu lợn.          Ảnh: Phương An
Bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư do nhiễm liên cầu lợn. Ảnh: Phương An
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới T.Ư thì tại các địa phương, vào dịp Tết Nguyên đán, người dân thường có thói quen mổ lợn và đánh tiết canh để liên hoan và nghĩ rằng tiết canh do nhà làm sẽ an toàn. Khi đưa bệnh nhân nhập viện, khai thác tiền sử bệnh, nhiều người cho rằng ăn tiết canh đầu năm thì năm đó sẽ gặp may mắn cả năm!

Lo ngại về vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và ATTP mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát bày tỏ: "Kinh nghiệm 10 năm chống dịch cho thấy, dịp cuối năm, nhất là lễ ông Công ông Táo, bà con ta thường mổ lợn, gà, vịt cúng rồi ăn tiết canh. Mồng 1 liên hoan tiết canh thì ủ bệnh, mồng 5 vào viện, mồng 10 chết. Năm nào cũng phải đợi qua ngày 15 tháng Giêng không thấy báo cáo gì mới yên tâm. Vì vậy phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để người dân không ăn tiết canh nữa!".

Rất nguy hiểm

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, trong tiết canh sống tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả lị, liên cầu khuẩn… Lý do là vì trong máu của gia súc, gia cầm (kể cả những con khỏe mạnh) đều chứa rất nhiều virus, vi khuẩn gây bệnh. Đó là chưa kể quá trình cắt tiết, vi khuẩn ở da, lông dễ dàng xâm nhập vào máu. Trong các loại bệnh từ tiết canh, nguy hiểm nhất là cúm A/H5N1, liên cầu khuẩn. Nếu là cúm A/H5N1 bệnh dễ chuyển sang viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng và tử vong. Còn bệnh liên cầu khuẩn rất dễ gây biến chứng viêm màng não. Vi khuẩn liên cầu gây ra 2 thể viêm màng não phổ biến là viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Thông thường, một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc mức độ bệnh mà di chứng nặng hay nhẹ. Nguy hiểm hơn, bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh, nếu cấp cứu muộn cơ hội cứu chữa rất thấp. Bệnh có thể nhiễm đi nhiễm lại nếu người dân giữ thói quen ăn tiết canh.

Ngoài ra, người dùng tiết canh cũng sẽ có nguy cơ bị các bệnh nguy hiểm khác như nhiễm giun sán, bệnh đường tiêu hóa. Giun sán sẽ đặc biệt nguy hiểm như sán lãi móc, nhiễm lãi theo đường máu, tạo ra các ổ lãi nguy hiểm trong gan, mật. Từ những búi lãi này, người bị nhiễm có thể bị tắc mật. Tế bào gan của người bệnh bị phá hủy, gan bị chảy máu gây viêm gan, xơ gan, não bị sán đục thủng… Thực tế, tại Viện Sốt rét và ký sinh trùng T.Ư, tháng nào cũng tiếp nhận vài chục bệnh nhân điều trị nhiễm ấu trùng sán lợn, nhiều bệnh nhân nặng nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi, động kinh, co giật... Trong số đó không ít người do ăn tiết canh hoặc gỏi, nem...

Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn tiết canh để phòng tránh các bệnh dịch nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.