Trong đó, 75% số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại khu vực ngoại thành, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện, liên xã. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT tăng cao do hạ tầng nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện đã bị xuống cấp cộng với ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân còn kém. Hạ tầng xuống cấp Những con đường vừa hoàn thành đã hỏng, xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời tạo thành những "ổ trâu", "ổ voi"; đường thiếu hệ thống chiếu sáng... đang là thực trạng xảy tại nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện. Điển hình về tình trạng xuống cấp gây mất ATGT là tuyến đường liên xã 426 (huyện Ứng Hòa), đây là tuyến giao thông huyết mạch đi qua địa bàn 9 xã huyện Ứng Hòa. Mặc dù được triển khai cải tạo nâng cấp từ năm 2007, nhưng đến nay, sau hơn 6 năm đưa vào sử dụng, tuyến đường luôn là nỗi ám ảnh về tai nạn với những người dân mỗi khi phải qua lại nơi đây. Trong đó, đoạn 3 km mặt đường xấu nhất đi qua địa bàn các xã Trầm Lộng, Hòa Lâm. Hiện chất lượng mặt đường đã kém, nhưng hàng ngày chịu thêm tải trọng của hàng chục lượt xe tải chở vật liệu xây dựng từ Trầm Lộng đi Đại Hùng, Đại Cường, khiến mặt đường ngày càng xuống cấp. Ngày hanh khô thì bụi mù, ngày mưa thì lầy lội. Thỉnh thoảng có xe tải bị sa lầy, gây ách tắc giao thông.
Không khó để bắt gặp hình ảnh người vi phạm giao thông tại huyện Thường Tín. |
Hay như tỉnh lộ 427B nối huyện Thường Tín với huyện Thanh Oai hiện đang trở thành "điểm đen" về ATGT. Bà Đinh Thị Cúc, xã Hiền Giang (huyện Thường Tín) cho biết, do mặt đường nhỏ hẹp, thiếu hệ thống chiếu sáng, trời nắng bụi bay mù mịt, trời mưa mặt đường trơn trượt, nhầy nhụa bùn đất, người điều khiển xe máy chỉ cần bất cẩn một chút là ngã xe, tệ hơn là tự gây TNGT. Qua điều tra, khảo sát của Sở GTVT, nhu cầu đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn TP giai đoạn 2009 - 2015 là 4.999 km, với tổng kinh phí là 5.502 tỷ đồng. Hiện nay, Sở GTVT đã triển khai xong dự án giao thông nông thôn 3 do Ngân hàng Thế giới tài trợ với việc cải tạo, nâng cấp 12 tuyến đường dài 44,8km thuộc các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì, Phúc Thọ, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng, thị xã Sơn Tây. Đang triển khai xây dựng, cải tạo 36 công trình giao thông nông thôn (gồm 19 cầu, 17 tuyến đường). Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều tuyến đường dù hạ tầng xuống cấp nhưng chưa có vốn để triển khai. Người dân vẫn có thói quen “tùy tiện” Nếu có dịp đi ra các tuyến đường ngoại thành, sẽ không khó để bắt gặp các vi phạm luật giao thông của người dân. Điển hình là huyện Thường Tín, một trong những huyện có số vụ TNGT tăng cao ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) trong những tháng vừa qua. Theo ghi nhận của chúng tôi, không khó để bắt gặp hình ảnh người điều khiển xe máy không đội MBH, chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu… ngang nhiên di chuyển trên đường mà không gặp bất cứ sự kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt của các lực lượng chức năng. Tình trạng trên diễn ra phổ biến trên đường tỉnh lộ 427B đoạn đi qua UBND huyện Thường Tín. Điều đáng nói, trong số những trường hợp vi phạm luật giao thông mà chúng tôi ghi nhận được có không ít người là cán bộ, nhân viên của UBND huyện Thường Tín. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, tình trạng cán bộ, nhân viên của ủy ban huyện vi phạm luật giao thông là có và số lượng là không ít. UBND huyện sẽ nhắc nhở đối với các phòng ban để chấm dứt các vi phạm. Thực tế, tại khu vực nông thôn, nơi lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông ít hoạt động trên các đường liên huyện, liên xã, nhiều người tham gia giao thông coi thường pháp luật. Đây là nguyên nhân dẫn đến ý thức chấp hành luật giao thông của người dân kém, khiến những nỗ lực của các địa phương trong công tác giảm thiểu TNGT trên địa bàn trở nên khó khăn. Do vậy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cần được tiếp tục đặt lên hàng đầu. Song vấn đề lớn nhất là cần phải tuyên truyền những gì, đối tượng là ai. Theo các chuyên gia, việc tuyên truyền sâu rộng cho người dân về pháp luật giao thông là điều vô cùng cần thiết, nhưng làm thế nào để người dân hiểu và chấp hành mới là việc khó. Do đó, việc tuyên truyền pháp luật giao thông tại khu vực nông thôn muốn thành công phải có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương. Công tác tuyên truyền cần gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã, để từ đó chỉ đạo lực lượng công an xã, cũng như có thể công khai tình hình vi phạm trật tự ATGT của người dân trên hệ thống loa truyền thanh. Việc vi phạm về sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông, lãnh đạo phải là người làm gương và vận động các gia đình, dòng họ khi tổ chức tiệc, nếu có trường hợp uống bia rượu, cần tạo điều kiện cho họ nghỉ ngơi rồi mới để họ dắt xe ra về. Để tuyên truyền giao thông có hiệu quả cao, không chỉ có cơ quan chuyên môn mà cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cùng với đó, lực lượng kiểm soát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các trục đường, kể cả khu vực nông thôn, hướng đến mục tiêu chung giảm thiểu TNGT toàn TP.