Gánh nặng mưu sinh của góa phụ làng biển

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn thịnh nộ của biển và tai nạn bất ngờ ập đến với ngư dân ở Quảng Ngãi làm không ít gia đình mất đi trụ cột, những người vợ trở thành góa phụ. Cuộc mưu sinh vốn đã khó khăn, nay lại thêm oằn gánh trên vai họ.

Mẹ góa, con côi

Mặt trời lên cao, nắng vàng trải rộng trên mặt biển, mới hơn 8 giờ sáng mà thời tiết đã trở nên oi bức. Cặm cụi trong gian bếp nhỏ, bà Trịnh Thị Hiền (49 tuổi, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) một tay thấm mồ hôi đọng thành giọt bên thái dương, tay kia vẫn không ngừng róc bánh xèo vừa chín tới. Nóng ruột vì đợi lâu, khách khom người bước vào giục, không quen với mùi khói bếp xộc vào mắt cay xè, lại vội vã bước ra.

Ăn xong mấy cái bánh xèo, bà Võ Thị Thu (hàng xóm bà Hiền) thong thả nhấp ngụm nước chè, chép miệng: “Nó đúc bánh kiếm tiền nuôi con hơn chục năm rồi, kể từ lúc ông chồng nó chết. Ông Thành chết năm nào, tui quên mất rồi Hiền? ”

Gần 12 năm trôi qua, bà Trịnh Thị Hiền vẫn né tránh khi nói về tai nạn của chồng.
Gần 12 năm trôi qua, bà Trịnh Thị Hiền vẫn né tránh khi nói về tai nạn của chồng.

Bà Hiền nói vóng ra: “Hồi năm 2009 đó, tàu chìm, ổng cũng đi theo. Ổng đi đâu đi mãi không thấy về. Mà đừng có hỏi tui mấy vụ này, tui lại khóc”.

Bà Thu “ờ” một tiếng rồi thủ thỉ: “Tội, cực quá mà! Chồng chết hơn chục năm, để lại 4 đứa con nheo nhóc, đứa lớn nhất năm đó mới 11 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 8 tháng”.

Mùa biển động năm 2009, khi những con sóng lớn và gió to hùng hổ kéo đến, dân làng biển nháo nhác mang tàu đi neo gửi nơi khác, tránh sóng lớn đánh vỡ tàu hoặc cuốn đi mất. Ông Võ Trường Thành (chồng bà Hiền) cùng người bà con nổ máy mang tàu đi neo thì gặp sự cố. Tàu lật úp, người mất tích.

“Thời gian đó kiếm mãi mà không thấy xác, dân làng cũng góp tiền để đi kiếm. Chừng chục ngày sau thì bão lớn vào, bão số 9/2009… Sau bão đi kiếm tiếp, nhưng không thấy đâu, tàu cũng mất luôn” - bà Võ Thị Thu kể.

Mất đi trụ cột, bà Trịnh Thị Hiền tưởng như đứng không vững. Suốt thời gian dài sau đó, 5 mẹ con đối mặt với hàng loạt khó khăn, phần vì số tiền nợ vay đóng tàu, phần thì con nheo nhóc, phần thì bà Hiền không có công việc. Chẳng biết bấu víu vào đâu!

Đúc xong những chiếc bánh xèo cuối cùng cho người khách ăn sáng muộn, bà Hiền dụi củi, vun tro lại rồi thu xếp dụng cụ, mang ra bên ngoài dọn rửa. Đã qua cơn xúc động, bà Hiền ngồi hướng mặt về phía biển, giọng nửa buồn, nửa như hờn trách: “Có ổng thì cuộc sống đỡ vất vả, còn ổng đi rồi, một mình tui gồng gánh. May nhờ bà con thương, giúp đỡ nhiều. Đứa út chừng một tuổi thì bắt đầu bán bánh xèo kiếm sống, bán thêm cả nước uống và các thứ lặt vặt khác… Rồi cũng qua! Mới đó mà hơn 12 năm rồi”.

Tàu cá của ngư dân Phước Thiện.
Tàu cá của ngư dân Phước Thiện.

Bà Hiền nheo nheo mắt nhìn ra biển. Nơi đó, hàng trăm con tàu đang dập dềnh trên sóng, có tàu ra khơi, có tàu đang vào bờ xuống cá. “Sống nhờ biển mà chết cũng vì biển, tui thì sợ biển…” - bà Trịnh Thị Hiền nhỏ giọng dần.

“Có chồng đi biển, hồn treo cột buồm”

Cách nhà bà Hiền chừng vài trăm mét là chợ cá. Từ sáng sớm, bãi biển thôn Phước Thiện đã trở nên nhộn nhịp, sôi động. Tàu thuyền tấp nập cập bến, những sọt cá tươi roi rói nhanh chóng được chuyển lên bờ, giao cho tiểu thương. Giữa những tiếng nói cười, trao đổi, mặc cả ồn ã, gánh đậu hũ của bà Nguyễn Thị Ngọ (57 tuổi) lại có khoảng lặng riêng.

Chợ cá trên bãi biển.
Chợ cá trên bãi biển.

Không chao chát, đôi co, cánh phụ nữ làng biển tìm đến gánh đậu hũ của bà Nguyễn Thị Ngọ để tiếp thêm năng lượng. Đón chén đậu hũ nóng hổi, sóng sánh, thơm lừng, các bà, các chị vừa đảo nhẹ vừa thổi rồi đưa muỗng lên húp “Soạt!”. Vị thanh mát của đậu hũ, vị ngọt của nước đường, kèm theo vị thơm nhẹ của gừng tươi trôi tuột xuống cổ họng, xua tan cơn mệt mỏi. Một chị gái đưa tay ra, bà Ngọ nhanh nhẹn tiếp thêm chén khác.

“Ăn 2 chén mới đã, đậu hũ của bà Ngọ ngon lắm. Tui thì ngày nào cũng phải ăn”, một “mối quen” của bà Ngọ giòn giã. Như nói đúng “tim đen”, các bà, các chị đang ngồi ăn đậu hũ quanh đó cũng ngẩng đầu, phá lên cười.

Bà Nguyễn Thị Ngọ có hơn 20 năm bán đậu hũ mưu sinh.
Bà Nguyễn Thị Ngọ có hơn 20 năm bán đậu hũ mưu sinh.

Bà Nguyễn Thị Ngọ có hơn 20 năm bán đậu hũ. Từng ấy thời gian, bà đều đặn mỗi ngày quẩy đôi quang gánh ra bãi biển để bán cho những người ở chợ cá.

“Lúc trước ổng còn sống thì bán để kiếm thêm thu nhập. Năm 2012, từ khi ổng bị đột quỵ rồi chết trên biển thì nó lại trở thành nghề mưu sinh chính. Ổng để lại cho tui 5 đứa con, tụi nó khi đó vẫn còn đang đi học” - bà Nguyễn Thị Ngọ hồi tưởng.

Ngày nào bà Ngọ cũng thức dậy thật sớm để nấu, chuẩn bị đồ đạc rồi gánh đi bán: “Ngày bán nhiều thì được 2 thùng đậu. Đậu hũ này nấu bằng đậu nành được chọn kỹ, thơm lắm, ăn vừa có sức vừa nhẹ người” - bà Ngọ vừa phe phẩy chiếc mũ rộng vành để xua đi cơn nắng nóng, vừa nói.

Chồng mất gần 10 năm, bà Ngọ đã trải đủ gian nan khi phải gồng gánh nuôi các con. “Ngoài bán đậu hũ còn làm thuê các việc khác, ai thuê gì làm nấy. Chỉ cầu cho có sức khỏe, biết là nhiều khó khăn, nhưng nhìn con trưởng thành, cực mấy cũng hạnh phúc. Giờ còn đứa con út học lớp 8, ráng tích cóp tiền để nuôi nó học hành đàng hoàng” - bà Nguyễn Thị Ngọ bày tỏ.

Phụ nữ làng biển mưu sinh nơi chợ cá.
Phụ nữ làng biển mưu sinh nơi chợ cá.

Như bao làng chài khác, mỗi mùa biển động, những người vợ nơi đất liền ở Phước Thiện lại mong ngóng, phập phồng lo sợ. Và cũng không ít mùa sóng đi qua, một số phụ nữ làng này trở thành góa phụ.

Qua cơn thịnh nộ, biển lại hiền hòa, dịu êm. Nhưng cuộc mưu sinh khi thiếu vắng chỗ dựa vững chắc là người chồng của phụ nữ làng biển vẫn chưa lúc nào dễ dàng. Đằng sau những con sóng kia là bao nỗi gian truân và xót xa của những người “lấy chồng đi biển”, để rồi “hồn treo cột buồm”.

Ngư dân làng biển Phước Thiện.
Ngư dân làng biển Phước Thiện.

“Góa phụ  nói riêng và phụ nữ làng biển nói chung, ai cũng sống bằng tất cả nghị lực, nương theo con nước, nương theo lộc biển mỗi mùa, mỗi tháng. Tuần trăng tròn hay đêm trăng khuyết, cuộc sống vẫn đắp bồi theo đôi quang gánh cuộc đời. Đằng sau những tấm lưng đẫm mồ hôi sáng sớm của những người mẹ, người vợ vùng biển là mùi vị của cuộc sống, của giá trị hạnh phúc” - bà Lê Thị Quyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Hải chia sẻ.