Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gạo Việt nâng vị thế bằng thương hiệu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ kiên trì theo đuổi việc xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, các DN Việt Nam đã xuất khẩu thành công một số sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng vào những thị trường khó tính hàng đầu thế giới.

Chinh phục thị trường cao cấp, khó tính

Việc xuất khẩu các sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng giúp nâng cao tính nhận diện cũng như doanh số tiêu thụ tại thị trường EU, Nhật Bản. Không những vậy, khi đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và có thương hiệu riêng tại các thị trường yêu cầu chất lượng cao, DN Việt có thể mạnh dạn đàm phán giá bán tương xứng với chất lượng mà không phải e dè cạnh tranh về giá so với các sản phẩm đại trà khác.

Một số sản phẩm gạo Việt mang thương hiệu riêng đã được xuất khẩu và tiêu thụ tốt tại thị trường EU, Nhật Bản. Ảnh minh họa 
Một số sản phẩm gạo Việt mang thương hiệu riêng đã được xuất khẩu và tiêu thụ tốt tại thị trường EU, Nhật Bản. Ảnh minh họa 

Hiện nay, các DN đang tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

Đơn cử, Công ty Tập đoàn Lộc Trời có kế hoạch xây dựng vùng nếp nguyên liệu với tổng diện tích dự kiến 10.000 ha, canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng cao xuất khẩu đi châu Âu. Kể từ khi xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (tháng 9/2020) đến nay, Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu.

DN này cũng vừa công bố hoàn thành việc giao 500 tấn gạo mang thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" đến các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp trong tháng 7/2022. Đặc biệt, số lượng gạo "Cơm Việt Nam Rice" xuất khẩu sang Pháp sẽ được bày bán trong Carrefour – hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu. Các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU đều được đóng gói trong bao bì riêng đã đăng ký mẫu mã quốc tế của tập đoàn.

Cũng trong thời gian này, tại thị trường Nhật Bản, sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An của Tập đoàn Tân Long đã chính thức lên kệ các siêu thị để bán trực tiếp cho người tiêu dùng Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và phân phối thành công tại một trong những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long Nguyễn Chánh Trung chia sẻ: “Để xuất khẩu gạo mang tên thương hiệu riêng vào thị trường Nhật Bản, lô hàng đã vượt qua quy trình kiểm nghiệm vô cùng khắt khe đối với hơn 450 chỉ tiêu”.

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu

Theo báo cáo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hàng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt Nam có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng châu Á vẫn là thị trường chính.

Vài năm gần đây, các DN bắt đầu xây dựng thương hiệu ở quốc tế, một phần nhờ các FTA ký kết đã giúp gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn, thị trường dần mở rộng sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Giang Lam.
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Giang Lam.

Đề cập giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất khẩu gạo, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam đề xuất, cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ DN xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice).

Theo đó, Nhà nước cần hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các DN xuất khẩu gạo. Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho các DN có khả năng tiếp cận và có sẵn khách hàng nước ngoài mà không phụ thuộc vào công ty có giấy phép xuất khẩu gạo.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, hiện nay, Việt Nam đã có bộ giống chất lượng cao, phù hợp với môi trường sinh thái của từng vùng, miền. Tuy nhiên, công nghiệp sản xuất giống chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, trình độ canh tác, khả năng tiếp thu tiến bộ khoa học và ý thức tuân thủ quy trình sản xuất của người nông dân còn nhiều hạn chế. Công nghệ sau thu hoạch vẫn là điểm yếu trong lĩnh vực nông nghiệp từ nhiều năm qua.

Khắc phục những tồn tại này, Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành lúa gạo, gồm: Thay đổi cơ cấu giống lúa, hình thành vùng nguyên liệu của DN và sản xuất bền vững.

Theo đó, các địa phương trên cả nước, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực gia tăng diện tích lúa thơm, đặc sản, có tiềm năng xuất khẩu cao phù hợp với quy hoạch phát triển của từng vùng. Đồng thời, xác định rõ việc tuân thủ các quy định kỹ thuật, nâng chất lượng gạo là vấn đề cốt lõi trong nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

 

"Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn làm tốt vai trò xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; ngăn chặn hiệu quả vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hướng tới xây dựng thương hiệu vững mạnh và tin cậy của sản phẩm lúa gạo Việt Nam với người tiêu dùng trong nước và quốc tế." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên