Gặp lại những người làm nên “Dáng đứng Việt Nam”

Đoàn Bá Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trận đánh ác liệt vào sân bay Tân Sơn Nhất đúng Tết Mậu Thân 1968 đã làm nên “Dáng đứng Việt Nam” tạc vào thế kỷ. 50 năm sau chiến thắng lẫy lừng đó, người đương thời vẫn nhắc tên Tiểu đoàn 16 (D16) anh hùng với những chiến công vang dội.

Từ trận đánh Tân Sơn Nhất
Đầu tháng 12/1967, nhận lệnh của Bộ Chỉ huy và Quân ủy Miền, D16 từ Tây Ninh hành quân về Long An, nhập vào đội hình của Phân khu 2, Long An và được mang phiên hiệu D16. Họ chỉ có một tháng vừa thực địa chiến trường đồng bằng, vừa huấn luyện, sắp xếp, củng cố lực lượng để nhận nhiệm vụ trong chiến dịch Mậu Thân 1968.
Các cựu chiến binh D16 tại buổi lễ Trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân năm 2013. (ảnh do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An cung cấp).
Ngày 29/1/1968 (tức 28 Tết), đang chuẩn bị ăn Tết thì đơn vị được lệnh lên đường. Đến 16 giờ ngày 30/1, thì nhận lệnh Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa và được biên chế vào đội hình Trung đoàn (E) 31. Nhiệm vụ D16 được giao là đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó tiến sang đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy, rồi phát triển sâu vào nội đô Sài Gòn và hội quân tại Dinh Độc lập. Cựu chiến binh Bùi Hồng Hà kể: Toàn đơn vị hành quân cấp tốc tiến thẳng về Sân bay Tân Sơn Nhất. Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 30/1/1968, toàn bộ D16 đã áp sát Sân bay Tân Sơn Nhất, gần hãng dệt Vinatexco, triển khai trận địa, đào công sự chờ giờ G (24 giờ ngày 30/1/1968, tức giao thừa) thì nổ súng.

D16 được chia làm 2 bộ phận, C2 dự bị và trợ chiến bố trí ở khu vực hãng dệt Vinatexco do Tiểu đoàn phó Phan Thái Nguyên chỉ huy. Mũi chủ công (C1) do D trưởng Nam Sơn và chính trị viên Nguyễn Văn Sáu chỉ huy thọc sâu từ hướng Tây vào sân bay. Mũi chủ công có đặc công dẫn đường, cắt dây thép gai, tiếp cận hàng rào cuối cùng nằm chờ lệnh hợp đồng chiến đấu. Khi có lệnh nổ súng, chính trị viên Nguyễn Văn Sáu dẫn đầu một đại đội vượt qua cửa mở, chọc thẳng vào sân bay. Nhưng khi đụng vào lực lượng thiết giáp địch, chúng nã đạn như mưa về phía bộ đội. Cuộc chiến đấu ngoài dự kiến diễn ra vô cùng ác liệt. Mũi dự bị xông lên tiếp ứng thì gặp điểm hỏa lực mạnh của địch từ lô cốt góc Tây Nam bắn xối xả. Bộ đội ta thương vong nhiều. Phải tiêu diệt lô cốt địch bằng mọi giá! Nhận lệnh, được bắn yểm trợ, đồng chí Đồ ôm bộc phá cảm tử tiến đánh lô cốt. Bộc phá nổ, lô cốt bị đánh sập, đồng chí Đồ hy sinh anh dũng. Bộ đội ta nhanh chóng cắt và vượt qua 21 hàng rào kẽm gai ở góc Tây Nam, Sân bay Tân Sơn Nhất và chia làm 2 cánh Đông và Tây tiến thẳng vào đường băng và khu để máy bay địch. C1 theo đường tuần tra bên phải đánh chiếm được 2 nhà để máy bay, đẩy địch vào phía trong. C2 vòng theo đường tuần tra bên trái tiến sát khu gia binh, vừa đánh vừa truy đuổi địch. Tiếng súng của ta làm trấn động cả sân bay, từng cột lửa liên tiếp bùng lên đốt cháy nhiều máy bay và xe tăng định. Ở mũi tiến công của C1, Chính trị viên phó Nguyễn Văn Mẹo đã hy sinh trong tư thế dựa vào xác chiếc M113 bị quân ta bắn hỏng, vẫn kẹp AK trong tay chĩa súng về phía quân thù…

Sáng 31/1/1968, địch phản kích. C1 bám từng xác xe tăng M41, M113 chiến đấu, C2 cũng anh dũng kiên cường. Khi súng hết đạn, các chiến sĩ ta lấy súng địch bắn địch. Đến trưa, quân ta được lệch mở đường máu thoát ra khu hãng dệt Vinatexco.

Làm nên “Dáng đứng Việt Nam”

D16 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với nhiều trận đánh lớn đi vào lịch sử chống đế quốc Mỹ xâm lược. Từ tháng 7/1967 đến cuối năm 1971, trên chiến trường Tây Ninh, Sài Gòn, Long An, D16 đã đánh trên 250 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 3.500 tên Mỹ, ngụy, làm thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, 5 đại đội địch; bắn cháy 15 máy bay, 55 xe quân sự… Và được tặng thưởng 320 dũng sĩ quyết thắng; 150 dũng sĩ diệt Mỹ; 15 dũng sĩ diệt máy bay; 53 dũng sĩ diệt cơ giới; 45 Huân chương chiến công cho tập thể và cá nhân và nhiều Huân chương Kháng chiến chống Mỹ các loại.

Riêng trận đánh Sân bay Tân Sơn Nhất là trận đánh chiến lược với tinh thần quyết chiến quyết thắng của D16, khi đơn vị hy sinh hơn 2/3 quân số (380/550). 181 bộ hài cốt liệt sỹ quân giải phóng hi sinh trong đêm 31/1/1968 sau đó đã được di dời về nghĩa trang thành phố, trong một ngôi mộ dưới Tượng đài Mẹ Việt Nam. Năm 2013, D16 và liệt sỹ Nguyễn Văn Sáu đã vinh dự được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Còn hình ảnh kiên trung khi hy sinh của đồng chí Nguyễn Văn Mẹo thì là nguồn cảm hứng để nhà thơ Lê Anh Xuân viết bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” tạc vào lịch sử vang vọng đến tận hôm nay.