Đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, đón đại quân vào giải phóng Sài Gòn
Tháng 12/1972, ông Nguyễn Đức Thọ (SN 1955, quê xã Quảng Uyên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) nhập ngũ, được tuyển vào lính đặc công nước thuộc Lữ đoàn 126 Hải quân, huấn luyện tại Hải Phòng. Đầu năm 1974, ông cùng đơn vị hành quân vào căn cứ Tà Thiết ở Lộc Ninh (Bình Phước), rồi mang phiên hiệu Z23 thuộc Lữ đoàn 316 Biệt động đặc công, chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau đó, toàn đơn vị Z di chuyển về Đồng Nai, xuống Rừng Sác, sông Thị Vải. Z23 có nhiệm vụ tấn công chiếm lĩnh Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa (tại đường Tôn Đức Thắng ngày nay).
Ngày 17/4/1975, Ban Chỉ huy Z và các bộ phận được lệnh lên chốt 4 (gần cầu Rạch Chiếc) nhận nhiệm vụ, Z23 đóng quân ở rừng lá cách cầu Rạch Chiếc khoảng 1km. Ngày 24/4/1975, Z23 nhận lệnh chuẩn bị đánh Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, nhưng đến trưa 25/4/1975, lại nhận lệnh hủy đánh trận này, chuyển toàn bộ lực lượng cùng Z22, D81 chờ đánh chiếm cầu Rạch Chiếc để đón đại quân vào giải phóng Sài Gòn.
Do vị trí quan trọng của cây cầu, từ đầu năm 1975, địch tăng cường phòng thủ, gồm: một liên đoàn biệt động quân, cụm pháo 105 ly; giữa cầu bố trí tiểu đoàn bảo an hơn 400 tên với súng chống tăng, M79, cối 60 ly; vòng ngoài có nhiều công sự, ụ chống tăng, 4 khẩu đại liên cùng các loại vũ khí. Xung quanh cầu có 5 lớp rào kẽm gai, bãi mìn; có căn cứ giang thuyền 306...
17 giờ chiều 26/4/1975, đồng chí Trần Kim Thịnh phân công D81 đặc công bộ đánh chiếm, giữ đầu cầu phía Nam hướng Sài Gòn; Z22 và Z23 đặc công nước đánh chiếm, giữ đầu cầu phía Bắc hướng Thủ Đức vào; một tổ khác chiếm ngã ba đường gần Nhà máy xi măng Hà Tiên đánh chặn địch phản kích.
Phát B40 diệt tháp canh, làm hiệu lệnh trận đánh
"Tôi được giao nhiệm vụ bắn phát B40 đầu tiên tiêu diệt tháp canh và làm hiệu lệnh chung cho toàn trận đánh. Lúc 3 giờ sáng 27/4/1975, tôi nổ súng trúng tháp canh đổ nghiêng, tiêu diệt khẩu đại liên. Cùng lúc các mũi đồng loạt nổ súng, thủ pháo. Bị tấn công bất ngờ, địch không kịp phản ứng, số bị tiêu diệt, số bỏ chạy”, ông Thọ kể lại.
8 giờ sáng 27/4/1975, địch dùng trực thăng đổ quân vòng ngoài, kết hợp xe tăng, tàu chiến phản công để chiếm lại cầu. Sau nhiều đợt tấn công không thành, địch dùng pháo chụp, anh Chiến - Đại đội phó Z22 trúng đạn và hy sinh, nhiều đồng chí khác bị thương. Đến chiều, thêm nhiều chiến sĩ khác hy sinh.
“Càng về chiều, nhiều anh em bị thương, vũ khí cạn kiệt nên đơn vị được lệnh rút ra. Lúc này địch tràn lên cầu, anh Nguyễn Văn Thất cùng quê tôi, một mình quay lại đánh chặn địch để đội hình rút. Anh Thất chiến đấu đến hết đạn thì bị địch bắt, chúng giết anh rồi phân xác; anh Trần Văn Minh cũng bị địch bắt, giết rất dã man…”, giọng ông Thọ trùng xuống.
Ngày 29/4/1975, đơn vị được lệnh tiếp tục đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, lúc này Z22, Z23 chỉ còn 20 chiến sĩ trực tiếp chiến đấu. “5 giờ sáng 30/4/1975, toàn bộ đơn vị đồng loạt nổ súng. Bị tấn công bất ngờ nên địch mất tinh thần, tháo chạy. Anh em nhanh chóng từ dưới nước vọt lên chiếm cầu, chờ đến 7 giờ sáng đón đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn”, ông Thọ kể.
Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân
Cuối năm 1983, ông Thọ ra quân với quân hàm Trung úy, nghỉ theo chế độ bệnh binh hạng 2/3, vì bị nhiễm chất độc da cam cộng với chấn thương cột sống trong trận đánh cầu Rạch Chiếc. Hiện ông Thọ sống cùng vợ và con cháu, ông có 4 người con, trong đó 1 người con gái bị nhiễm chất độc da cam đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm chăm sóc người khuyết tật ở Thủ Đức. Ông hưởng trợ cấp bệnh binh 3.406.000 đồng/tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 2.610.000 đồng/tháng.
Trong cuốn “Một thời để nhớ” do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh xuất bản, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang) - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316, viết: Đơn vị chủ công Z23 chỉ với hơn 70 tay súng, trang bị vũ khí hạng nhẹ, chỉ có tiểu liên AK và súng B40, B41, thủ pháo, lựu đạn. Nổ súng lúc khuya 27/4/1975, phải đánh giằng co với địch trong ngày 27, 28, 29 cho đến sáng 30/4/1975, lữ đoàn xe tăng cùng bộ binh qua cầu tiến vào Sài Gòn bắt sống toàn bộ nội các, buộc tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Riêng Z23 thương vong 52 đồng chí".
Với những chiến công xuất sắc trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4/1975, đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.