Trên con phố Hàng Quạt (quận Hoàn Kiếm), căn nhà số số 59 nổi bật bởi nét cũ kỹ, lạc lõng so với những căn nhà mới san sát bên cạnh. Trong không gian chưa đầy 10m2, những bức tường cũ mốc được treo la liệt khuôn bánh trung thu lớn bé đủ hình; trên chiếc phản gỗ cũ ở góc nhà đặt cái phích hoa, ấm nước chè đặc; đối diện là chiếc tủ treo bộ đồ nghề đục mài. Đó là cửa hàng của ông Phạm Văn Quang, 62 tuổi, người thợ làm khuôn bánh trung thu cuối cùng của đất Hà Thành.
Trở về từ quân ngũ sau khi tham gia chiến tranh Việt – Lào giai đoạn 1976-1980, ông Quang bắt tay vào nghề làm khuôn thủ công đến nay đã gần 40 năm. Gia đình ông gốc gác ở Thường Tín (Hà Tây cũ) có nghề gia truyền khuôn đúc thủ công, nhưng đến nay các cụ đã quy tiên, con cháu xoay sang nghề khác, chỉ có ông Quang tiếp tục bám cái nghề yêu cầu sự kiên nhẫn, tỉ mỉ bậc nhất này.
|
Căn nhà cũ kỹ trên phố Hàng Quạt gần như là nơi duy nhất ở Hà Nội còn ghi dấu nghề làm khuôn bánh trung thu thủ công. |
|
Ông Quang chia sẻ, trước đây chỉ có ba “tổ sản” làm khuôn bánh Trung thu là Nam Định, Hải Phòng và Hà Nội. “Bánh nướng bánh dẻo hồi đó không được bày bán rộng rãi như bây giờ mà là thức quà xa xỉ lắm, chỉ những người người ở Hà Nội mua về quê thắp hương ông bà tổ tiên. |
|
"Bánh Trung thu là kết tinh của trời đất và thể hiện văn hóa lúa nước. Nhân bánh nướng thập cẩm truyền thống, nào là mứt bí, mứt sen, trứng, mỡ đường… đều là những nông sản đặc trưng của người Việt. Dịp nông nhàn cuối Thu có thêm cái Tết trung thu để trẻ con, người lớn tụ tập, ăn miếng bánh nhấp ngụm trà, điểm lại những thành quả lao động từ đầu năm”, ông Quang cho biết. |
|
Nhờ sự nhạy cảm, hiểu lòng khách cũng như cá tính của con người sống lâu năm ở đất Kẻ Chợ, tiếp xúc đủ loại người; ông Quang đón khách thập phương từ Thái Bình, Hải Phòng, Sài Gòn… đến ở nước ngoài tấp cập đến đặt hàng. |
|
Hàng trăm ngàn chiếc khuôn gỗ thủ công, không có bất kỳ cái nào giống cái nào. Cùng là một hình, những đường vân, độ nông sâu tạo cho mỗi chiếc khuôn những nét riêng biệt. |
|
Để làm khuôn bánh Trung thu phải chọn loại gỗ có tính dẻo, dai để vân hoa bánh lên chắc rõ và rắn quánh vừa phải để khi gõ ra, mặt bánh bóng nhẵn. Đầu bảng là gỗ thị và gỗ xà cừ. |
|
Theo ông Quang: “Hình chủ yếu để làm khuôn là cá chép, hàm ý “cá hóa rồng” thể hiện cho khát vọng vươn lên, hay hình hoa cúc, hoa sen, hình chữ Phúc-Lộc-Thọ… bên cạnh những hình con giống cho trẻ em |
|
Ngoài những hình khuôn truyền thống, ông cũng nhận đúc khuôn có tên, logo riêng theo yêu cầu… “Công làm một chiếc khuôn chỉ 1 đồng, nhưng thêm sự sáng tạo vào giá trị có thể thành 10 đồng”, ông Quang lý giải cho những chiếc khuôn tinh xảo giá đặc biệt lên tới cả triệu đồng do khách đặt. Điều khiến ông gắn bó với khuôn đúc thủ công trong suốt 40 năm qua dù có khó khăn là niềm vui khi chiếc khuôn vừa lòng người khách. |
|
Bộ đồ nghề của ông Quang. Theo ông, người làm khuôn phải tĩnh tâm, chăm chú, tỉ mỉ thì chiếc khuôn mới vuông vắn, tinh tế. |
|
Một góc tường sinh động của ngôi nhà số 59 Hàng Quạt. |
Người thợ 62 tuổi không chịu nhận danh nghệ nhân cho dù đến nay, thật khó để tìm được cửa hàng làm khuôn thủ công thứ hai ở Hà Nội. Các con của ông đều không theo nghiệp cha. Ông bảo, nghề nghiệp là duyên nên bên chữ nghề mới có cả chữ nghiệp; nếu không chuyên tâm thì cho có làm cũng dễ lụn bại. Ngắm nhìn căn nhà số 59 Hàng Quạt trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, tôi thật mong những con người lưu giữ nghề phố kinh kỳ như ông Quang sẽ còn mãi với thời gian, trong nhịp sống chuyển động không ngừng của Thủ đô.