Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Gặp nhân chứng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Kinhtedothi - Họ là cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nay đã ở tuổi “bát thập”, nhưng trong ký ức, họ vẫn nhớ như in những tháng năm hào hùng.

Vượt trạm gác để đưa thư

Bà Trần Thị Lài (tức Năm Hoa, SN 1947, ở phường Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh) kể: “Tôi làm giao liên ở bộ phận Hoa vận thuộc Văn phòng Thành ủy (L71). Nhiệm vụ của tôi là chuyển tài liệu, dẫn đường cho cấp trên từ A ra B và ngược lại; vận chuyển vũ khí từ B vào A, đưa tân binh từ A ra B huấn luyện. Tùy vào tình hình chiến trường, đơn vị tôi liên tục chuyển từ Củ Chi sang Thanh An - Dầu Tiếng, rồi về Long An, Bến Tre”.

Bà Trần Thị Lài.

Thời gian làm giao liên, bà Lài không ít lần gặp nguy hiểm, nhưng bằng sự mưu trí bà đều vượt qua. Một lần vào năm 1968, đơn vị đóng ở Long An, bà nhận lệnh cùng 4 giao liên trong tổ vận chuyển 40 khẩu AK từ Bình Đức ra Quốc lộ 4 (lộ 4) để đưa vào nội đô Sài Gòn.

“Chúng tôi buộc 4 khẩu AK thành 1 bó, mỗi đôi quang gánh giấu 2 bó, mỗi người 1 gánh men theo bờ ruộng đi ra lộ. Đến điểm hẹn, chúng tôi ngồi chờ chị Ba Ánh (giao liên trong A ra nhận súng). Do chị Ánh biết mật thám theo dõi, nên khi đi ngang chỗ chúng tôi, chị ra ám hiệu. Lúc đó, tôi nói cả tổ ngồi yên, lấy khăn rằn che mặt. Tên mật thám tới chỗ chúng tôi dò xét, rất may có một bác nông dân gần đó bước đến giả bộ hỏi: nhà máy đường chạy rồi hả tụi bay? Tên mật thám tưởng có nhà máy đường nên bỏ đi. Còn chị Ánh đi tuốt vô ruộng, đến một nhà giả bộ xin đi vệ sinh, chủ nhà chỉ chị Ánh đi thẳng ra phía sau, vòng qua đường khác. Tên mật thám cũng vào, chủ nhà mời uống nước, giả vờ hỏi thăm…, để chị Ánh thoát”, bà Lài kế.

Khi ra gần đến lộ, quang gánh của bà Lài bị gãy nên phải ôm từng bó súng ra xe đò. Giấu súng trên xe xong, tài xế không dám chạy, yêu cầu bà Ánh ngồi chung xe. “Do chị Ánh đi cùng chỉ huy ra B bằng xe Honda 67, nên phải về chung để mật thám tiếp tục bám đuôi. Vì vậy chỉ huy nói tôi lên xe đò để tài xế yên tâm, khi đến trạm Phú Lâm xuống xe”, bà Lài kể tiếp.

“Sáng sớm 30/4/1975, cấp trên giao tôi chuyển tài liệu cùng tiền Việt và USD, với chỉ thị phải đưa vào Sài Gòn trước 11 giờ trưa. Hôm đó, cảnh sát chặn không cho người từ Sài Gòn qua trạm Phú Lâm vào nội đô; chỉ cho người từ Chợ Lớn ra, nhưng những người này khi đến trạm không chịu đi qua mà dừng lại nghe radio, dòng người lúc này rất lộn xộn. Tôi đã lẻn qua trạm gác nhiều lần, nhưng dòng người cứ ùa theo tôi khiến lính gác bắn chỉ thiên, buộc phải quay trở ra. Lúc 9 giờ sáng 30/4/1975, một xe GMC chở hơn 10 lính từ Bến Lức chạy vào trạm, phải dừng lại do ùn ứ, tôi leo lên xe xin quá giang về ngã bảy Lý Thái Tổ, sau đó giao tài liệu đúng hẹn. Lúc 11 giờ 30 phút trưa 30/4/1975, chúng tôi vỡ òa khi nghe Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên radio. Chiều cùng ngày, tôi được đưa đến trụ sở L71 đóng tại Trường Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5).

Địch đầu hàng, quân ta vẫn “ém” phòng bị

Ông Tôn Thạnh Cường (SN 1949, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối người Hoa TP) kể: tháng 3/1975, bộ phận Hoa vận tại căn cứ Thanh An - Dầu Tiếng do anh Trần Đức (Tư Cao) phụ trách; anh Tư Tuấn vào nội thành. Sau khi thị xã Dầu Tiếng giải phóng, anh Tư Cao đi họp về thông báo chuẩn bị hành quân.

Ông Tôn Thạnh Cường.

Đầu tháng 4/1975, cả đơn vị gồm nhiều cơ quan hợp thành, từ Dầu Tiếng hành quân về hướng Tây Ninh. Cơ quan Hoa vận chia làm 2 đoàn, một đoàn đi bộ do anh Huỳnh Hà phụ trách gồm 12 đồng chí; đoàn còn lại được xe quân sự đưa đi cùng với đoàn hành quân. Trên đường đi, qua radio cả đoàn mừng rỡ khi nghe tin Trung úy không quân ngụy Nguyễn Thành Trung lái máy bay F16 dội bom xuống Dinh Tổng thống ngụy và an toàn bay về khu giải phóng.

“Đầu tháng 4/1975, một số cán bộ, chiến sĩ Hoa vận được L71 tuyển chọn theo đồng chí Mai Chí Thọ (Năm Xuân) hành quân vào Sài Gòn. Khi đến Bình Điền - Bình Chánh, đồng chí Năm Nhỏ - Phó L71 thành lập Phân đội trinh sát giao liên trực thuộc L71 và làm Bí thư chi bộ; tôi làm Phó Bí thư kiêm Phân đội trưởng; đồng chí Hà Cẩn Xương giữ chức Phân đội phó. Đội gồm một số đồng chí thuộc Hoa vận, Trí vận, Phụ vận với nhiệm vụ liên lạc lãnh đạo các cơ quan đầu mối với lãnh đạo L71 khi chiến sự nổ ra tại Sài Gòn, vì các đồng chí này từng sống trong nội đô nên biết đường.

Sáng 30/4/1975, máy bay địch vẫn bay trên trời. Trưa cùng ngày, qua radio chúng tôi nghe Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và kêu gọi binh sĩ hạ vũ khí. Lúc đó ai cũng vui mừng, nhưng vẫn ém quân chờ đến chiều mới ra lộ 4, vì phòng ngừa địch phản công lại như trận Mậu Thân 1968. Chiều tối 30/4/1975, chúng tôi hành quân về Sài Gòn. Hai bên lộ 4, đồng bào chào đón quân ta, chúng tôi được xe buýt đón về trường Pétrus Ký, những anh em khác lần lượt được đón về Ban Hoa vận Thành ở 203 Phùng Hưng. Cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh thuộc đơn vị tôi có mặt tại Sài Gòn vào chiều tối 30/4/1975 là 56 đồng chí.

Đánh chiếm, giữ cầu Rạch Chiếc đón đại quân giải phóng Sài Gòn

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều cánh quân với nhiều binh chủng đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn từ nhiều hướng, trong đó có Lữ đoàn Đặc công 316 Anh hùng và ông Nguyễn Đức Thọ (SN 1955, quê Thanh Hóa) là một trong những chứng nhân lịch sử.

Ông Nguyễn Đức Thọ.

Ông Thọ kể: “Năm 1974, tôi cùng đơn vị hành quân vào căn cứ Tà Thiết ở Lộc Ninh, mang phiên hiệu Z23 Lữ đoàn 316 Biệt động đặc công tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi di chuyển xuống Rừng Sác đóng quân. Trưa 25/4/1975, Z23 nhận lệnh cùng Z22 và đặc công bộ đánh chiếm, giữ cầu lúc 3 giờ sáng 27/4/1975, để đón đại quân vào giải phóng Sài Gòn. Nhận lệnh xong, đồng chí Trần Kim Thịnh - Z Phó, Tham mưu trưởng Z23 cùng tổ của đồng chí Đỗ Xuân Quang trinh sát cầu Rạch Chiếc, nửa đêm 26/4/1975, tiếp cận cầu chờ đến 3 giờ sáng 27/4/1975 nổ súng. Tôi nhận nhiệm vụ bắn phát súng B40 đầu tiên diệt tháp canh để làm hiệu lệnh cho toàn trận đánh. Đến giờ G, tôi nổ súng trúng tháp canh đổ nghiêng, các mũi cũng đồng loạt nổ súng, bị bất ngờ địch không kịp phản ứng, số bị tiêu diệt, số bỏ chạy”.

Bị mất trận địa, khoảng 8 giờ sáng 27/4/1975, địch dùng pháo liên tục bắn phá, tiếp viện quân vòng ngoài cầu, kết hợp xe tăng và tàu chiến phản công nhiều đợt nhằm chiếm lại cầu. Đến chiều, cuộc chiến càng khốc liệt, nhiều đồng đội bị thương, vũ khí cạn kiệt nên đơn vị được lệnh rút và địch tràn lên.

Ngày 29/4/1975, Z23 và Z22 được lệnh tiếp tục đánh chiếm, giữ cầu Rạch Chiếc, lúc này chỉ còn 20 chiến sĩ chiến đấu được. Lúc 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, các đơn vị đặc công nước đồng loạt nổ súng, chiếm giữ được cầu Rạch Chiếc và chờ đến 7 giờ sáng đón đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, phường Bạch Đằng tặng nhiều suất quà tri ân người có công

Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, phường Bạch Đằng tặng nhiều suất quà tri ân người có công

Háo hức đón chờ lễ kỷ niệm 50 Năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Háo hức đón chờ lễ kỷ niệm 50 Năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
"Đoàn tàu Thống Nhất - Kết nối triệu trái tim": giao thoa Nam - Bắc giữa lòng Đà Nẵng

"Đoàn tàu Thống Nhất - Kết nối triệu trái tim": giao thoa Nam - Bắc giữa lòng Đà Nẵng

30 Apr, 02:54 PM

Kinhtedothi - 12h45 trưa 30/4 - Giữa tiếng còi tàu dồn dập và những tràng pháo tay vang lên từ hàng trăm người dân thành phố bên sông Hàn, hai đoàn tàu mang tên “Đoàn tàu Thống Nhất – Kết nối triệu trái tim” - SE1 xuất phát từ Hà Nội và SE4 khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh - đã chính thức hội ngộ tại Ga Đà Nẵng. Cuộc hội ngộ này không chỉ là một sự kiện vận tải, mà là một biểu tượng lịch sử, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, minh chứng sống động cho khát vọng thống nhất, hòa bình và phát triển.

Nguồn sức mạnh nội sinh để phát triển bứt phá

Nguồn sức mạnh nội sinh để phát triển bứt phá

30 Apr, 02:43 PM

Kinhtedothi - Từ những lời căn dặn của Bác về đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, khát vọng ấy đã và đang dần hiện thực khi sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục những triển vọng tốt đẹp trong Kỷ nguyên phát triển mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Người Anh hùng bắn rơi 6 máy bay của đế quốc Mỹ

Người Anh hùng bắn rơi 6 máy bay của đế quốc Mỹ

30 Apr, 02:41 PM

Kinhtedothi - Ngày 15/5/1975, ông dẫn đầu biên đội 12 chiếc MiG-21 thuộc Trung đoàn Không quân (TĐKQ) 935, bay diễu binh mừng chiến thắng trên vùng trời Sài Gòn - Gia Định. 50 năm sau, TĐKQ 935 Anh hùng do ông chỉ huy tiếp tục vinh dự được bay diễu binh trên bầu trời TP Hồ Chí Minh vào ngày 30/4/2025.

Vẹn nguyên tinh thần “Hà Nội vì cả nước”

Vẹn nguyên tinh thần “Hà Nội vì cả nước”

30 Apr, 02:37 PM

Kinhtedothi- Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội có vai trò cực kỳ to lớn. Thời kỳ hiện đại, Hà Nội vẫn giữ nguyên được tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, luôn đi đầu trong các phong trào. Đây là chia sẻ của GS.TS.NGND Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ