Gấp rút đẩy nhanh tiến độ công trình giao thông trọng điểm Hà Nội

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình hoạn thiện thủ tục thi công cũng như tác động của dịch Covid-19, một số công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội đang chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Người dân mong mỏi

Dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch có kết cấu thép lắp ghép, cầu vượt trực thông dạng chữ C với tổng mức đầu tư khoảng 147 tỷ đồng. Tổng chiều dài cầu hơn 320m. Dự án do liên danh nhà thầu Thành Long - Cienco 1 - Việt Hưng triển khai thi công.

Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch được động thổ xây dựng vào ngày 11/11/2021, theo tiến độ, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn ngổn ngang chưa hẹn ngày về đích.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Xuân Thúy, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Nhà tôi ở khu vực mặt đường Chùa Bộc, con đường lâu nay vẫn xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Được biết, TP Hà Nội tiến hành xây dựng cầu vượt chữ C, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, sau nhiều tháng thi công, mặc dù đã đến hạn được thông báo là hoàn thành, công trường trước cửa nhà tôi vẫn quây tôn, chưa xuất hiện hình dáng chiếc cầu”.

Công trình cầu vượt chữ C Phạm Ngọc Thạch đang chậm tiến độ.
Công trình cầu vượt chữ C Phạm Ngọc Thạch đang chậm tiến độ.

Theo bà Nguyễn Xuân Thúy, khu vực công trình cầu vượt luôn bụi mù mịt. Vào giờ cao điểm, tình trạng ùn tắc diễn ra nghiêm trọng hơn trước, vì thế, hoạt động kinh doanh buôn bán cũng như cuộc sống của các hộ dân xung quanh công trường gặp nhiều khó khăn.

Người dân nơi đây luôn mong mỏi chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công sớm hoàn thành dự án để cuộc sống của người dân cũng như giao thông qua khu vực thuận lợi hơn.

Liên quan đến việc chậm tiến độ của dự án này, ông Bùi Mạnh Cường – Trưởng Phòng quản lý xây dựng dự án 1, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội thông tin, dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc -  Phạm Ngọc Thạch gồm hai hạng mục thi công, khoan ngầm và phần kết cấu thép đi trên cao.

Đến hiện tại, tiến độ các dự án ngầm đã cơ bản hoàn thành, dự kiến trong tháng 8/2022 sẽ kết thúc hạng mục này. Còn phần cầu kết cấu thép đi trên cao cũng đã hoàn thành được 60% khối lượng công việc.

Về nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, gây bức xúc cho người tham gia giao thông, ông Bùi Mạnh Cường lý giải: “Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch có kết cấu chính là dầm thép, vật liệu nhập khẩu, biến động lớn của giá thép và các vật liệu liên quan trong thời gian triển khai đã ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Đặc biệt, giá thép tăng mạnh, cùng với đó là thời điểm đầu năm 2022, dịch Covid-19 lan rộng, hàng loạt công nhân của đơn vị thi công nhiễm bệnh nên đã phải tạm dừng thi công”.

Hơn nữa, ông Bùi Mạnh Cường cho rằng, dự án phải triển khai thi công phần kết cấu dưới trong phạm vi khu vực có mật độ giao thông cao, gây khó khăn trong quá trình triển khai. Do việc thi công kết cấu phần dưới phải đảm bảo quy định về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng, không gây ảnh hưởng đến sự ổn định của tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội số 2.2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, đơn vị Tư vấn thiết kế phải tính toán điều chỉnh kết cấu phần đưới phía đường Chùa Bộc dẫn đến kéo dài thời gian thi công tại hiện trường khoảng 1 tháng.

Đại diện Ban QLDA giao thông Hà Nội cho biết, đơn vị đã báo cáo và được UBND TP Hà Nội chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết quý IV/2022. Dự kiến, tháng 8 sẽ thi công xong toàn bộ kết cấu phần dưới; tháng 10 thi công các hạng mục mục phần trên và sẽ hoàn thành dự án trong tháng 12/2022.

Trưởng phòng Quản lý xây dựng dự án 1 cũng khẳng định, mặc dù dự án được ký hợp đồng từ tháng 2/2021, có bị trượt giá nguyên vật liệu nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư dự án.

Vẫn chờ thủ tục

Cũng nằm trong danh mục những công trình đang bị chậm tiến độ, gây nhiều bức xúc cho người dân, dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương – đường Thanh Niên đang dậm chân tại chỗ nhiều tháng nay. Đây là dự án quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc Thủ đô, kết nối gần nhất với trung tâm hành chính Ba Đình và sân bay quốc tế Nội Bài, mật độ giao thông luôn đông đúc.

Ông Lê Minh Tuấn, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Từ nhiều tháng nay, đơn vị thi công rào chắn, quây tôn công trường ngay sát lề đường khiến việc di chuyển của người tham gia giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Có những thời điểm, ùn tắc kéo dài cả cây số".

Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm là công trình được phê duyệt bổ sung vào giai đoạn 2 của dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên cũng đang "dậm chân tại chỗ".
Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm là công trình được phê duyệt bổ sung vào giai đoạn 2 của dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên cũng đang "dậm chân tại chỗ".

Theo ông Tuấn, do đoạn tuyến đang thi công, lòng đường nhỏ hẹp và có giao cắt với đường ngang nên một số vị trí lưu thông gặp khó khăn. Người dân hy vọng mặt đường sớm được mở rộng để nhanh chóng giải quyết được ùn tắc khu vực này.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Mạnh Cường – Trưởng phòng Quản lý xây dựng dự án 1, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội: “Đây là công trình nằm trên bề mặt đê hữu Hồng nên thời gian thi công trong năm bị hạn chế vào mùa mưa lũ. Từ 15/6 đến hết tháng 10 hàng năm, công trình hoàn toàn phải dừng hoạt động để đảm bảo hệ thống đê điều trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến việc huy động máy móc, nhân lực gặp nhiều khó khăn”.

Ông Bùi Mạnh Cường thông tin, dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm là công trình được phê duyệt bổ sung vào giai đoạn 2 của dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông quận Ba Đình, Tây Hồ được chia làm 4 đoạn, đến nay đoạn 1, 2 và 4 đã cơ bản được hoàn thành. Sau khi lấy ý kiến các ban, ngành và khoan thăm dò địa chất bổ sung, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND TP Hà Nội thay đổi thiết kế đoạn 3 có chiều dài 2,7km từ số 124 Âu Cơ đến đường Lạc Long Quân do đây là đoạn đê yếu và thấp hơn những đoạn khác trên tuyến.

Ngay sau khi có ý kiến, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội gấp rút triển khai công tác lập nhiệm vụ, khảo sát bổ sung và xin cấp phép. Đến ngày 6/5/2021, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND TP Hà Nội, xây dựng riêng biệt giữa đường dân sinh và đường chính và cùng một cao độ thay vì thiết kế mặt đường đê có hai cao độ khác nhau như thiết kế ban đầu tại đoạn số 3.

“Tháng 3/2022, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận phương án đề nghị của Bộ NN&PTNT. Việc điều chỉnh phương án thiết kế đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ngay sau khi được TP Hà Nội chấp thuận, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đang tích cực phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu và thiết kế bản vẽ thi công để trình Bộ NN&PTNT xin cấp phép thi công đoạn số 3. Từ ngày 15/6 - 31/10/2022 sẽ cố gắng hoàn thành toàn bộ thủ tục thi công và tiếp tục triển khai dự án vào tháng 11/2022” – ông Bùi Mạnh Cường thông tin thêm.