Gấp rút tái cơ cấu nền kinh tế trong bối cảnh mới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực, song trước bối cảnh hậu Covid 19 và những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Khắc phục điểm yếu còn tồn tại

Giai đoạn 2016-2020, việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng có những kết quả nổi bật: Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định; tăng trưởng kinh tế đạt được những kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá. Năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn.

Ba lĩnh vực quan trọng là chú trọng cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư công, cơ cấu lại DN Nhà nước, tổ chức tín dụng. Ảnh minh hoạ Internet
Ba lĩnh vực quan trọng là chú trọng cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư công, cơ cấu lại DN Nhà nước, tổ chức tín dụng. Ảnh minh hoạ Internet

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm: vốn, lao động, tài nguyên. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở cùng giai đoạn phát triển. Tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu vẫn do tăng cường vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp. Vốn vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế thông dụng lao động.

Ở mức độ nhất định vẫn dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Năng suất lao động còn thấp và chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam với các nước còn tiếp tục gia tăng. Các vấn đề về cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm mặc dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra theo kế hoạch.

Hiệu quả đầu tư công chưa cao và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm nhất là vốn ODA. Tiến trình thực hiện cổ phần hóa các DN Nhà nước còn chậm so với kế hoạch đề ra, chủ yếu tập trung vào việc sắp xếp thu gọn số lượng, chất lượng quản trị DN chưa được cải thiện.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực còn chậm. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn chưa lớn mạnh, chưa đáp ứng được vai trò quan trọng của nền kinh tế. Thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện.

Bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt, trải qua hơn hai năm Covid-19 còn diễn biến phức tạp, những yếu tố bất định, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trước bối cảnh đó, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 cần được đẩy nhanh hơn và thực sự bứt phá.

 

Mục tiêu chương trình phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5-7%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm đạt 32 - 34% GDP; phát triển mạnh các loại thị trường (thị trường đất đai, thị trường cổ phiếu…)kinh tế số chiếm 20% GDP; đạt khoảng 1,5 triệu DN với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP là khoảng 55%.

Ngày 12/4/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP (Nghị quyết 54) về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết nêu rõ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Theo đó, nhiệm vụ thứ nhất là tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai là phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Thứ ba, phát triển lực lượng DN; thúc đẩy kết nối giữa DN thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chương trình tổng thể phục hồi kinh tế

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, so với Kế hoạch giai đoạn trước, Kế hoạch lần này có nhiều điểm  mới và đột phá hơn.

Theo đó, kế hoạch được bổ sung điểm mới để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới, trong đó, nổi bật nhất là kinh tế số, hạ tầng số, kinh tế đô thị trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cuộc CMCN lần thứ tư với nhiều đột phá liên quan đến khoa học công nghệ. Tạo điều kiện và khuyến khích DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và chủ động dần nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị. Phát triển đồng bộ hạ tầng, ưu tiên liên kết vùng, kết nối lại thị trường trong nước và quốc tế. Nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tăng cường nội lực, khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài...

Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, TS Trần Thị Hồng Minh bày tỏ, ba lĩnh vực quan trọng là chú trọng cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư công, cơ cấu lại DN Nhà nước, tổ chức tín dụng. Trong đó, cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực cho các loại thị trường nhất là thị trường vốn và thị trường khoa học công nghệ, thị trường lao động; tập trung cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, phân bổ và giải ngân đầu tư công, giải quyết các dự án treo, dự án chậm tiến độ, gắn với quy hoạch.

Lưu ý đến độ mở lớn của nền kinh tế, PGS.TS Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn trước những tác động từ kinh tế thế giới. Đặc biệt là việc các nước đang tung ra các gói kích thích nền kinh tế làm tăng tổng cầu có thể khiến chi phí giá cả tăng cao, nhất là giá xăng dầu, có thể tác động đến lạm phát trong thời gian tới, chi phí, dự toán đầu tư có thể thay đổi. Do đó, tái cơ cấu cần gắn với Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế.

 

Mục tiêu đạt khoảng 1,3 - 1,5 triệu DN hoạt động vào năm 2025 là một quyết tâm lớn của Chính phủ trong giai đoạn tới. Để mang lại những đột phá mới trong tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn tới, cần tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN Nhà nước. Về phát triển kinh tế tư nhân cũng cần lưu ý, bao gồm việc rà soát toàn bộ các nghị định, văn bản pháp luật liên quan để ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền; bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện. -Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN – Nguyễn Hồng Long

GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng, cần đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề tạo ra đột phá, chuyển biến sang  ngành nghề khác. Gắn kết, tạo động lực phát triển kinh tế vùng, tạo ra lực đẩy cho vùng kinh tế đô thị. Đặc biệt, cần tạo ra cơ chế, sân chơi bình đẳng cho các DN trong nước và FDI, trong đó, đặc biệt quan tâm đến cơ chế tài chính cho các DN nhỏ và vừa, đặc biệt DN siêu nhỏ. Sử dụng tích cực công cụ thuế, đòn bẩy tài chính để định hướng DN và người tiêu dùng trong tái cơ cấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho Việt Nam. Kế hoạch nhấn mạnh lãnh đạo của các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, vượt qua lợi ích cục bộ của ngành, địa phương để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, vùng một cách hiệu quả hơn, tránh cát cứ, chia cắt. Có vậy, mới thực hiện thành công cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.